Thứ Ba, 09/01/2007 10:55

Đông Á với nước cờ Citigroup

Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á và tập đoàn tài chính Mỹ Citigroup được ký hồi tháng 9/2006.

Theo một nguồn tin, ngay trước giờ ký kết, Citigroup hỏi giá cổ phiếu mà Đông Á dự kiến bán cho họ sẽ là bao nhiêu. Trả lời: tối thiểu gấp sáu lần mệnh giá. Khi đó Citigroup hối hả giục Đông Á bởi họ muốn hợp đồng đầu tư giữa hai bên được ký vào thời điểm diễn ra Hội nghị APEC và họ sẽ mời Tổng thống Bush chứng kiến lễ ký.

Nhưng Đông Á không vội vàng. Đến cuối năm 2006 vốn điều lệ của ngân hàng này mới có 880 tỉ đồng. Hội đồng quản trị Đông Á đã tính toán một lộ trình tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng năm 2007, trong đó tỷ lệ thưởng và mua thêm cổ phiếu bằng mệnh giá dành cho cổ đông (trừ đối tác chiến lược trong nước và nhân viên được mua cổ phiếu ưu đãi) lên tới 60% (54% thưởng, 6% mua thêm).

Toàn bộ số tiền dự trữ bổ sung vốn điều lệ 416 tỉ đồng tích lũy qua các năm sẽ được chuyển thành cổ phiếu. Ba mươi phần trăm vốn điều lệ, tức 600 tỉ đồng sẽ được bán cho Citigroup. Đại hội cổ đông bất thường của Đông Á tuần trước chính thức thông qua lộ trình này.

Đông Á đã đi một nước cờ mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Họ đã không bán cổ phần cho nước ngoài khi vốn điều lệ còn thấp. Trong khi các ngân hàng khác bán 10% cổ phần cho nước ngoài với giá vài chục triệu đô la Mỹ (HSBC mua 10% cổ phần Techcombank với giá 27 triệu đô la Mỹ), thì 10% cổ phần của Đông Á có giá ít nhất 1.200 tỉ đồng, tương đương 75 triệu đô la Mỹ.

Đấy là mức giá sàn, còn giá chính thức sẽ cao hơn nhiều. Citigroup dự định mua 10% cổ phần Đông Á trong quí 1/2007, 20% còn lại họ sẽ mua từ từ theo quy định của Nhà nước. Như vậy, để có thể sở hữu 3/10 Đông Á, Citigroup sẽ bỏ ra không dưới 225 triệu đô la Mỹ.

“Đông Á sẽ kết thúc việc bán 30% cổ phần cho nước ngoài trong năm 2007. Đến 30-9-2007 Citigroup cần hoàn tất việc góp vốn vào ngân hàng” - ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Đông Á, phát biểu trong đại hội cổ đông bất thường - “Nếu sau ngày đó mà Citigroup chỉ mua được 20%, thì 10% còn lại ngân hàng sẽ bán cho đối tác nước ngoài khác”.

Trong khi Bank of America, một đối thủ của Citigroup, tập trung vào Trung Quốc, thì Citigroup xác định Việt Nam như một trong những thị trường trọng điểm tại châu Á. Thông qua Đông Á, Citigroup muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam, đồng thời cải thiện vị trí của họ trong khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hiện nay trong khối tổ chức tín dụng nước ngoài ở Việt Nam, HSBC đang dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 300% năm 2006, bỏ lại phía sau với một khoảng cách khá xa các “đối thủ” như Citibank, Standard Chartered Bank, ANZ, Calyon, BNP Paribas, Deutsche Bank...

Ông Bình khẳng định vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, Đông Á sẽ là ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Với sự trợ giúp của Citigroup, Đông Á sẽ triển khai những chiến lược mới nhằm nâng mức tăng trưởng lợi nhuận, mà trước mắt là dự án cung cấp tín dụng từ A đến Z cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một liên doanh tay ba sản xuất và xuất khẩu máy ATM, máy ABC (Automatic Banking Center - ngân hàng tự động, có thể nhận, rút tiết kiệm tiền đồng, ngoại tệ, thu đổi ngoại tệ 24/24 giờ) giữa Indochina Capital của Mỹ, Đông Á và tập đoàn GRG (Quảng Châu - Trung Quốc) đang được các bên thương thảo. Đông Á cũng chuẩn bị khởi công xây tòa nhà trụ sở mới nơi đầu đường Hàm Nghi, quận 1, nhìn ra sông Sài Gòn.

Mười bảy tháng đã trôi qua kể từ khi Đông Á có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Citigroup. Giữa tháng 1 tới sẽ bắt đầu cuộc thương lượng cuối cùng giữa họ trước khi tiến tới bản hợp đồng đầu tư. Theo chúng tôi được biết, một trong những điểm gút thảo luận sẽ là thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

Ông Bình nói: “Chúng tôi muốn Citigroup sẽ giữ cổ phần Đông Á không chuyển nhượng trong vòng 10 năm. Thời gian trên là hợp lý. Nếu thời gian nắm giữ ngắn quá, họ có thể chuyển cho đối tác khác một khi đã có lời, không có lợi cho Đông Á. Nếu lâu hơn 10 năm, giá mua cổ phần của họ sẽ không cao”.

Đằng sau tầm nhìn đó còn là vấn đề thời sự: giá trị thực sự của ngân hàng Việt Nam trên nền tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế đang được nâng lên rất nhiều trong con mắt nước ngoài.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa 11 DN giao thông vận tải từ nay đến 2010 (08/01/2007)

>   Tội phạm kinh tế gây thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng (08/01/2007)

>   Trung tâm chứng khoán Hà Nội sẽ thực hiện mô hình đấu giá 2 cấp (08/01/2007)

>   Cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát hành cổ phiếu cho CTCP Dược phẩm OPC (08/01/2007)

>   TCT Thành An hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con (08/01/2007)

>   Thủ tướng: Năm 2007 cổ phần hoá 4 NH thương mại lớn (06/01/2007)

>   Nhiều sơ suất khi đấu giá cổ phiếu (05/01/2007)

>   Tổng công ty Xi măng cổ phần hóa 10 công ty con (04/01/2007)

>   Kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty Vận tải Dầu khí (04/01/2007)

>   Bổ nhiệm Ủy viên HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (03/01/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật