Bán cổ phần cho nước ngoài: Mục tiêu của các ngân hàng
Trong khi nhà đầu tư săn lùng cổ phiếu của các ngân hàng thương mại và kỳ vọng vào lợi nhuận mà cổ phiếu mang lại thì các ngân hàng vẫn nhắm đến một mục tiêu xa hơn là mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược, các đối tác lớn có tiềm lực thực sự từ nước ngoài để tạo bước đột phá về công nghệ, quản trị và dịch vụ.
Để gia nhập thị trường chứng khoán, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.
Một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần như Eximbank, Sacombank, ACB, Đông Á, Nhà Hà Nội, Techcombank đã rất thành công trong việc tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu. Nhiều ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch tiếp tục gia tăng tiềm lực tài chính của mình trong thời gian tới để vượt "ngưỡng" 1.000 tỷ đồng vốn theo quy định bắt buộc.
Trong số này, có không ít ngân hàng đã thương lượng và ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, mới đây nhất là Ngân hàng Phương Đông (OCB) bán 10% cổ phần cho Ngân hàng Paris National Bank-Paribas của Pháp. Theo quy định, giới hạn tỉ lệ góp vốn điều lệ đối với đối tác nước ngoài trong mỗi ngân hàng Việt Nam tối đa là 30%.
Một số ngân hàng ở nước ngoài đã chấp nhận mua cổ phiếu của các ngân hàng cổ phần trong nước với giá rất cao, gấp nhiều lần so với mệnh giá, và với khối lượng lớn. Cổ phiếu của những ngân hàng có cổ đông nước ngoài hoặc đang đàm phán với đối tác nước ngoài như ACB, VPBank và Techcombank, Phương Nam, Đông Á, nằm trong nhóm này và đang là những cổ phiếu "nóng" nhất hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho tín dụng ngân hàng vẫn hiển hiện, trong khi hiện nay “cầu” tín dụng của nền kinh tế vẫn ở mức cao gây sức ép cho vay đối với hệ thống ngân hàng./.
TTXVN
|