Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải:
Ổn định thị trường điện mới đẩy mạnh bán cổ phần các nhà máy
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước Quốc hội đã đề cập tới việc trong năm 2007 sẽ triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh phù hợp về giá bán điện. Hôm qua, 23-10, bên hành lang kỳ họp, báo chí đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải về vấn đề này.
° Phóng viên: Thưa bộ trưởng, phương án cuối cùng về tăng giá điện đã được Tổ công tác về giá điện (do Bộ Công nghiệp chủ trì) trình lên Chính phủ chưa và trong năm 2007, giá điện sẽ được điều chỉnh vào thời điểm nào?
° Bộ trưởng HOÀNG TRUNG HẢI: Tờ trình về phương án điều chỉnh giá điện (dự kiến tăng 8%/năm) đã được chúng tôi hoàn chỉnh. Bộ Tư pháp đã thẩm định; hiện tại Bộ Tài chính đang thẩm định để trình Chính phủ quyết, sau đó mới công bố và thực hiện. Vì vậy, phương án có được phê duyệt và điều chỉnh vào thời điểm nào, tôi chưa thể biết.
* Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu than nhưng lại phải nhập khẩu điện. Như thế, ta phải chịu thiệt vì mua điện với giá cao trong khi xuất khẩu tài nguyên của đất nước với giá thấp. Tại sao không đầu tư thêm các nhà máy điện chạy than để thay thế cho việc xuất than, nhập điện, thưa bộ trưởng?
° Chúng ta đang đầu tư cho rất nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than và còn muốn tiếp tục đầu tư nữa. Nhưng vấn đề là lấy tiền ở đâu để đầu tư? Hiện ngành điện mới phát hành được 500 tỷ đồng - 1.000 tỷ đồng trái phiếu, chưa ăn thua gì so với nhu cầu. Theo tính toán, nhu cầu đầu tư cho ngành điện lên tới 3 - 4 tỷ USD. Huy động trái phiếu quốc tế thì chưa có khả năng, vì với tình hình tài chính của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) hiện nay, khi ra thị trường quốc tế không huy động nổi.
° Vậy khi đầu tư được nhiều các nhà máy điện chạy than, liệu chúng ta có cấm xuất khẩu than?
° Về nguyên tắc, than phải đáp ứng đủ nhu cầu trong nước rồi mới xuất khẩu. Có những loại than trong nước không dùng mới xuất khẩu và xuất khẩu cũng rất hạn chế. Trong chiến lược của ngành than, chỉ cho phép xuất khẩu tối đa 10 triệu tấn/năm. Có năm xuất khẩu nhiều, có năm xuất ít, tùy theo tình hình. Chẳng hạn như Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mà tiêu thụ than chậm thì phải xuất khẩu chứ để lại thì tồn, chi phí sản xuất cao.
° Theo các phương án điều chỉnh giá điện thì mỗi lần điều chỉnh sẽ huy động được từ 16.000 tỷ đồng trở lên. Theo một số chuyên gia, số vốn này hoàn toàn có thể huy động được nếu cho phép đẩy mạnh bán cổ phần của các nhà máy điện, giảm tỷ lệ cổ phần chi phối của Nhà nước tại một số công trình?
° Có bán nữa thì cũng không thể nào đáp ứng được nhu cầu vốn. Hiện nay ngành điện đang trong quá trình sắp xếp lại để hình thành thị trường điện cạnh tranh. Cho nên các nhà máy, công ty phân phối, truyền tải điện đang trong quá trình xem xét, không thể nào bán hạ tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước xuống một cách đột ngột.
Như thế sẽ ảnh hưởng đến điều hành, sản xuất trên hệ thống. Mà ngành điện có tính hệ thống cao. Nếu sự liên kết đó mất đi, sẽ dẫn đến khủng hoảng trong cung ứng điện.
Hiện nay, EVN vẫn là doanh nghiệp Nhà nước thì họ phải có trách nhiệm cung ứng điện như một nhiệm vụ chính trị lớn, kể cả trong trường hợp họ phải chịu thua lỗ. Nhưng nếu chúng ta giảm tỷ lệ cổ phần của Nhà nước xuống thấp, thì ở doanh nghiệp cổ phần, họ sẽ hành động vì lợi ích của chủ đầu tư, của cổ đông là chính.
Họ sẵn sàng bỏ nhiệm vụ cung cấp điện ở nơi khó khăn. Ví dụ như các công ty điện lực, khi cổ phần hóa thì không muốn làm mảng điện nông thôn. Do đó, phải chờ sắp xếp lại thị trường điện theo hướng ổn định thì mới đẩy mạnh bán cổ phần các nhà máy điện. Nếu không sẽ gây hỗn loạn trên hệ thống, không bảo đảm cấp điện ổn định và liên tục cho nền kinh tế.
° Nghĩa là chắc chắn phải tăng giá điện, thưa bộ trưởng?
° Rõ ràng là, nếu anh kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thì anh cũng phải chứng minh được đầu tư vào đây là có hiệu quả, thu được lời. Nếu không thì đừng có kêu, vì kêu mãi người ta cũng không vào. Muốn thu được 3 - 4 tỷ USD vốn đầu tư, phải chứng minh là họ cũng có lợi ích khi đầu tư vào ngành điện. Ta không thể chỉ đòi hỏi một chiều được.
° Xin cảm ơn bộ trưởng!
SGGP
|