Chủ tịch kiện... chủ tịch
Xin nói rằng đây không phải là quan chức kiện quan chức mà là hai chủ tịch hội đồng quản trị trong cùng một công ty kiện nhau.
Lâu nay người ta thường nói mỗi công ty chỉ có một chủ tịch và một tổng giám đốc, làm gì có chuyện một doanh nghiệp lại có hai chủ tịch Hội đồng Quản trị. Có lẽ chính sự bất thường này mà có chuyện chủ tịch kiện chủ tịch...
Đang làm ăn suôn sẻ, đùng một cái ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản xuất dịch vụ thương mại Đay Sài Gòn nhận được đơn yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông bất thường từ 9 cổ đông nắm giữ gần 18% vốn của công ty.
Một rừng không thể hai hổ
Theo điều lệ Công ty, cổ đông nắm giữ trên 10% vốn có thể yêu cầu điều này và giữa tháng 5/2006 đại hội bất thường của Công ty Đay Sài Gòn đã được triệu tập bởi Ban kiểm soát. Cuộc họp có sự tham gia của 48 trong tổng số 50 cổ đông đại diện 99,81% vốn của công ty và cả sự tham gia miễn cưỡng của Hội đồng quản trị mà đại diện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Đay Sài Gòn - ông Trần Hải Âu.
Mặc dù bất thường nhưng cuộc họp của đại hội vẫn diễn ra bình thường từ 8 giờ sáng cho đến khi chuẩn bị công bố kết quả phiếu bầu tức gần 20 giờ cùng ngày thì một số cổ đông phản đối và yêu cầu hủy bỏ cuộc họp trong đó có chủ tịch nhiệm kỳ I, người bị mất tín nhiệm và là nguyên nhân của việc triệu tập đại hội bất thường.
Dẫu nhiều cổ đông bỏ về trước khi đại hội kết thúc nhưng đại hội bất thường vẫn tiếp diễn và cuộc bầu chọn hội đồng quản trị mới và ban kiểm soát cho nhiệm kỳ tiếp theo vẫn tiến hành với kết quả như dự đoán của các cổ đông.
Những cổ đông ứng cử bỏ về, trong đó có chủ tịch bị bãi nhiệm Trần Hải Âu, có số phiếu bầu thấp và đã bị loại ra khỏi danh sách của hội đồng quản trị mới. Vị trí chủ tịch được bầu chọn cho ông Nguyễn Văn Khảm.
Mặc dù chính thức được các cổ đông chọn nhưng Hội đồng Quản trị mới lại không được ban lãnh đạo cũ thừa nhận và không được họ trao quyền lãnh đạo công ty. Ngược lại chủ tịch Hội đồng Quản trị mới còn bị chủ tịch Hội đồng Quản trị cũ kiện ra tòa vì “tội” lập bè phái “đảo chính”. Chủ tịch cũ cho rằng đại hội diễn ra không đúng như qui định và danh sách các ứng cử viên cho nhiệm kỳ mới quá “lạ” với những thành viên lãnh đạo của nhiệm kỳ cũ, đồng thời cũng yêu cầu tòa không công nhận kết quả bầu cử.
Tuần qua, Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân Tp.HCM đã đưa ra xét xử vụ tranh giành quyền lực này và đã đưa ra phán quyết sau hai ngày “thăng đường”. Theo đó, tòa cho rằng đại hội bất thường được triệu tập của Công ty Đay Sài Gòn... không bất thường và kết quả bầu chọn không phạm qui điều lệ công ty.
Từ đó, Tòa Kinh tế Tp.HCM cho rằng lý do các cổ đông phản đối kết quả bầu cử không hợp lệ trong khi số cổ đông tham gia cuộc bầu cử hay nói cách khác số cổ đông ủng hộ kết quả bầu cử chiếm hơn 50% số vốn của Công ty. Tòa kết luận rằng chủ tịch cũ phải chuyển giao quyền lực cho chủ tịch mới.
Cuộc chiến giữa “bảo thủ và cấp tiến”
Công ty Đay Sài Gòn tiền thân là doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở Công nghiệp Tp.HCM được cổ phần hóa hồi 2001. Mặc dù không phải là doanh nghiệp làm ăn khấm khá hay có tiềm năng về thị trường đay mà công ty đã theo đuổi mấy chục năm nay nhưng công ty này có vị trí khá thuận lợi về mặt đất đai ngay tại công trường Mê Linh, quận 1 nơi được xem là một trong những vị trí đắc địa nhất đất Sài Gòn.
Chính vì vậy Công ty Đay Sài Gòn đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ bên ngoài ngay khi cổ phần hóa. Chỉ việc cho thuê mặt bằng thôi cũng đủ để các nhà lãnh đạo của công ty yên tâm và không cần phải làm gì.
Kể từ khi cổ phần hóa, Đay Sài Gòn đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực địa ốc bên cạnh việc sản xuất bao đay cung cấp cho thị trường nội địa. Đã 5 năm cổ phần hóa, Đay Sài Gòn chỉ thực hiện được một dự án chung cư cho những hộ tái định cư và duy trì công suất nhà xưởng ở Bình Dương hàng năm khoảng 2 triệu bao đay. Điều này làm cho các nhà đầu tư có xuất xứ từ bên ngoài “nóng ruột” khi bỏ vốn đầu tư cả bạc tỷ nhưng lợi nhuận không nhiều hoặc có khả năng không cao trong tương lai.
Ông Nguyển Văn Khảm, tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới, cho biết không chỉ công ty không có kế hoạch gì mà những dự án đầu tư từ các cổ đông đề nghị đều bị chủ tịch kiêm tổng giám đốc và một số thành viên quyền lực khác từ chối. “Chính vì vậy đã tạo ra mâu thuẫn giữa những cổ đông bảo thủ và cổ đông cấp tiến và tạo thành hai phe phái chống đối nhau”, một thành viên trong Ban kiểm soát Công ty Đay Sài Gòn nói.
Theo ông, “phe ông Âu” không muốn thay đổi vì vậy không ủng hộ các dự án đầu tư mới nhiều rủi ro nhưng nếu có lợi thì lợi nhuận sẽ về tay những cổ đông lớn trong Công ty. Trong khi đó, “phe ông Khảm” lại muốn thay đổi trong đó có việc cải tổ ban điều hành với mong muốn tạo ra lợi nhuận nhiều hơn cho các cổ đông.
Mâu thuẫn càng nhiều hơn khi “phe ông Khảm” phát hiện ra nhiều số liệu và chứng từ khó hiểu được quản lý bởi nội các của “phe ông Âu”. Từ đó, một mưu đồ “đảo chính” âm thầm được nhen nhúm trong nhiều năm...
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc duy trì dàn lãnh đạo cũ luôn là vấn đề tranh cãi và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp xảy ra ở nhiều công ty cổ phần hóa. Những giám đốc doanh nghiệp nhà nước với ý thức bảo thủ thường không được các cổ đông bên ngoài ủng hộ vẫn còn tồn tại nhiều trong các doanh nghiệp cổ phần hóa và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kém phát triển của các công ty cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước. Công ty Đay Sài Gòn là một ví dụ.
TBKTVN
|