Ngân hàng trước bối cảnh hội nhập: Tăng tốc đầu tư phát triển dịch vụ
Gia nhập WTO, sự cạnh tranh giữa ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài diễn ra mạnh mẽ ở mảng dịch vụ ngân hàng. Nhận diện thách thức, tạo thế chủ động riêng cho mình, nhiều ngân hàng thương mại trong nước đang chạy nước rút đầu tư hiện đại hóa công nghệ.
* Nghèo nàn dịch vụ công nghệ cao
Ngân hàng có nhiều sản phẩm nhất nước ta hiện nay cũng chỉ có khoảng 200 loại sản phẩm, nhưng trong đó chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ mang tính chất công nghệ cao. Ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoài Quốc doanh (VPBank), cho rằng thực tế hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, nhất là Ngân hàng TMCP còn non trẻ, nên việc cung cấp ngay các sản phẩm, dịch vụ hiện đại cho khách hàng vẫn còn hạn chế.
Do kinh nghiệm quản lý, quản trị rủi ro còn yếu nên các ngân hàng khó có thể triển khai các sản phẩm dịch vụ mới khi chưa kiểm soát được nó. Trong khi đó, ngân hàng nước ngoài đã phát triển hàng trăm năm nay, có lợi thế về kinh nghiệm hoạt động và công nghệ hiện đại nên dễ dàng đưa ra nhiều sản phẩm phong phú và tiện ích.
Thời gian qua các ngân hàng nội địa cố gắng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới đến khách hàng nhưng hiệu quả mang lại cho ngân hàng không cao do người dân vẫn chưa quen, chưa cảm thấy dịch vụ đó là thực sự cần thiết trong đời sống.
Điều dễ thấy nhất là người dân dùng thẻ ATM chỉ để rút tiền còn các tiện ích khác đã được “cho qua”. Để các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến được với người dân, theo các chuyên gia cần phải có sự nối kết từ cả ngân hàng và người dân. Ngân hàng kích thích người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới không chỉ ở tính hiện đại mà còn cả yếu tố tiện ích, thông dụng, phù hợp với nhu cầu đa dạng của các đối tượng.
Thực tế trong cuộc cạnh tranh về thị phần thẻ, nhiều ngân hàng như EAB, Incombank… đã đầu tư công nghệ mới, triển khai các kế hoạch phát triển thị trường. Tuy nhiên, để có thể mở rộng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ, đòi hỏi ngân hàng phải có nguồn vốn đầu tư lớn và sự lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp, có đội ngũ quản trị tốt... chứ không phải chỉ bỏ tiền ra là xong.
* Nội, ngoại - lợi thế riêng
Một năm trở lại đây các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại nước ta đã tăng cường tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ của mình đến khách hàng. Tuy vậy đối tượng khách hàng của họ hiện nay vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại nước ta.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, sử dụng dịch vụ của ngân hàng nước ngoài có tiện ích là nhanh chóng, hiện đại nhưng thủ tục vẫn phức tạp và phí sử dụng tương đối cao. Để thu hút khách hàng, hiện nay một số ngân hàng nước ngoài đã tự phát hành thẻ hoặc chọn giải pháp liên kết với ngân hàng trong nước để mở rộng kinh doanh dịch vụ. Như vậy không phải tất cả các dịch vụ của ngân hàng nước ngoài đều có lợi thế hơn ngân hàng trong nước. Chưa kể ngân hàng nước ngoài còn bị ràng buộc về khung pháp lý trong cung cấp dịch vụ và mạng lưới hoạt động.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết sắp tới khi xóa bỏ các hạn chế về thị trường và khách hàng, các ngân hàng nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh đa dạng hơn. Với tiềm lực mạnh hơn hẳn, các ngân hàng nước ngoài sẽ có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận các khách hàng lớn. Tuy vậy đây cũng là cơ hội tốt cho các ngân hàng trong nước bắt tay cộng lực với các ngân hàng nước ngoài phát triển trên cơ sở khai thác các thế mạnh riêng của mỗi bên, tạo ra ưu thế cho cả hai phía. Theo ông Sơn, để cạnh tranh được với ngân hàng nước ngoài ngay trên sân nhà, các ngân hàng trong nước phải đầu tư mạnh mẽ để phát triển sản phẩm.
“Dù ngân hàng nước ngoài có công nghệ hiện đại thế nào đi nữa thì đa số người dân Việt Nam cũng không quay lưng với ngân hàng trong nước do tính tương đồng về văn hóa. Tuy nhiên các ngân hàng nội địa phải gấp rút đầu tư công nghệ bằng “chuẩn” của các ngân hàng nước ngoài. Khi đó, người dân càng gắn bó với ngân hàng trong nước. Vì vậy không nên quá lo ngại các ngân hàng nước ngoài sẽ thôn tính ngân hàng nội địa ngay trên sân nhà mà ta phải tăng tốc phát triển, tạo vị thế mới khi hội nhập” - ông Sơn khẳng định.
SGGP
|