Thứ Hai, 21/08/2006 12:37

ASEAN thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế và thương mại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) kéo dài 5 ngày, khai mạc ngày 21/8 Cuala Lămpơ (Malaixia), sẽ tập trung bàn thảo các kế hoạch đẩy nhanh tiến trình hội nhập, tiến tới thiết lập một thị trường chung kiểu Liên minh châu Âu,...

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế và thương mại Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) kéo dài 5 ngày, khai mạc ngày 21/8 Cuala Lămpơ (Malaixia), sẽ tập trung bàn thảo các kế hoạch đẩy nhanh tiến trình hội nhập, tiến tới thiết lập một thị trường chung kiểu Liên minh châu Âu, nhằm nâng cao sức mạnh kinh tế của khối trước sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Ấn Độ.

Các bộ trưởng ASEAN dự kiến sẽ hội kiến với các quan chức Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Niu Dilân, để thu hẹp dần bất đồng trong đàm phán về thương mại tự do, nhất là tìm cách khai thông các cuộc thương thảo hiện đang bị bế tắc với Ấn Độ về vấn đề ký hiệp định thực hiện Khu vực Thương mại Tự do (FTA) song phương. Trong khi đó, một nhà thương thuyết của Niu Dilân cho hay nước này sẽ ký kết FTA với ASEAN vào tháng 3 năm tới, nhờ các cuộc thương lượng giữa hai bên đạt được nhiều tiến triển sau khi khởi động từ cuối quý I/05.

ASEAN cũng có kế hoạch sẽ ký thỏa thuận thúc đẩy buôn bán và đầu tư (TIFA) với Mỹ - động thái được các quan chức khu vực coi là phát đi một tín hiệu lạc quan về việc tăng cường các mối quan hệ mạnh mẽ hơn với đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, cho dù thỏa thuận đó chưa hẳn là một FTA. TIFA sẽ mang đến nguồn quỹ mới cho các dự án nâng cao năng lực quản lý trong khu vực và góp phần cải thiện lòng tin của giới đầu tư.

Trước khi đến tham dự hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN ở Cuala Lămpơ, Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab cho biết ASEAN là một trong những khu vực kinh tế năng động và có nhịp độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tăng cường quan hệ với ASEAN là một trong những ưu tiên của Mỹ và ASEAN được coi như là một đối tác thương mại chiến lược của Mỹ. Quan hệ thương mại ASEAN-Mỹ đã phát triển nhanh chóng trong 10 trở lại đây và hiện ASEAN đã trở thành bạn hàng lớn thứ tư của Mỹ.

Hiệp hội ASEAN đã bắt đầu thực hiện tiến trình tự do hóa buôn bán hàng hóa từ năm 1993 và dự định thiết lập một thị trường chung và công xưởng thống nhất vào năm 2020, nhằm cho phép sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và nhân lực trong toàn khu vực. Tuy nhiên, cuối tuần qua Tổng Thư ký ASEAN ong Keng Yong và Bộ trưởng Thương mại Malaixia Rafidah Aziz cho biết nhiều nước ASEAN muốn vạch ra các bước cụ thể để thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 thay vì vào năm 2020 theo như kế hoạch lúc đầu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của khối. Các biện pháp này bao gồm việc bãi bỏ những rào cản phi thuế quan và đẩy nhanh tiến trình tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ. Để thúc đẩy tiến trình này, sáu nước thành viên phát triển hơn trong ASEAN dự định sẽ bãi bỏ biểu thuế đánh vào hầu hết các sản phẩm điện tử buôn bán giữa họ vào tháng 1/07, tức là sớm hơn so với kế hoạch lúc đầu 3 năm.

Có tin, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshihiro Nikai sẽ loan báo tại Hội nghị một quỹ trị giá 100 triệu USD phục vụ kế hoạch thiết lập "Khu vực đối tác kinh tế toàn diện Đông Á mở rộng", gồm 16 nước, do Nhật Bản đề xuất.

Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc thương lượng mậu dịch tự do song phương, tại cuộc họp trù bị chuẩn bị cho hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN, Ấn Độ đã đưa ra đề xuất giảm thuế đối với 94% mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN, thay vì 69% trước đó. Mức thuế đánh vào bốn mặt hàng nông phẩm có mức độ nhạy cảm cao sẽ được cắt giảm mạnh, trong đó biểu thuế đối với dầu cọ tinh chế sẽ giảm từ 90% xuống 60%; dầu cọ thô từ 80% xuống 50%, chè đen từ 100% xuống 50% và hạt tiêu từ 70% xuống 50%. Ấn Độ mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với ASEAN, nhưng vẫn muốn bảo hộ các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, dệt may và một số ngành nghề hiện là nguồn sống của hàng triệu người dân nước này. Năm 2005 kim ngạch buôn bán giữa ASEAN và Ấn Độ đã tăng 41%, lên 17,6 tỷ USD, nhưng vẫn còn kém xa so với giá trị khoảng 136-150 tỷ USD giữa ASEAN và Mỹ.

TTXVN

Các tin tức khác

>   Malaixia đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2020 (21/08/2006)

>   Xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt của Xingapo giảm mạnh trong tháng 7/06 (19/08/2006)

>   Mianma đẩy mạnh cải cách kinh tế (19/08/2006)

>   Ấn Độ đề xuất giảm thuế nông sản với ASEAN (19/08/2006)

>   Inđônêxia tiếp tục chính sách trợ cấp nhiên liệu (18/08/2006)

>   Thái Lan đẩy mạnh XK pin năng lượng mặt trời sang Đức (18/08/2006)

>   AirAsia vay 230 triệu USD để mua máy bay (17/08/2006)

>   Tôm là một trong 10 mặt hàng XK chủ lực của Inđônêxia (10/08/2006)

>   Malaixia: Giá cao su nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng tới các XN nhỏ (10/08/2006)

>   Kinh tế Xingapo sẽ tăng trưởng 6,5-7,5% năm 2006 (10/08/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật