Mianma đẩy mạnh cải cách kinh tế
Chính phủ Miama đang vạch kế hoạch cho một chương trình cải cách kinh tế lớn, dự kiến sẽ được thực thi trong năm nay...
Chính phủ Miama đang vạch kế hoạch cho một chương trình cải cách kinh tế lớn, dự kiến sẽ được thực thi trong năm nay. Kế hoạch này bao gồm việc mở cửa các khu vực kinh tế cho giới đầu tư nước ngoài, tư nhân hoá các xí nghiệp quốc doanh, cải cách cơ cấu của hệ thống ngân hàng yếu kém và điều chỉnh lại hệ thống tỷ giá cố định.
Đầu năm nay, Chính phủ Mianma thông báo 11 cơ sở quốc doanh, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất bia, xe đạp, đồ mỹ phẩm, kính, đồ uống không cồn, hàng dệt và sơn, sẽ được tư nhân hoá và trở thành các liên doanh, trong đó nhà nước nắm 51% cổ phần và số còn lại do khu vực tư nhân nắm giữ.
Mới đây, phát biểu trước một số nhà thầu khoán Mianma, Bộ trưởng Công nghiệp Mianma Aung Thaung cho biết giá trị các cổ phiếu của các công ty sẽ được điều chỉnh lại hàng năm. Theo ông, các nhà đầu tư tư nhân sẽ có quyền điều hành các công ty trong 10 năm, và người mua sẽ được phép bán lại cổ phiếu của họ hoặc chuyển đổi quyền sở hữu. Chính phủ Mianma cũng dự định thành lập một Ủy ban tư nhân hoá để giám sát các hoạt động buôn bán này. Gần 1.000 doanh nghiệp nhà nước sẽ được tư nhân hoá từng phần hoặc được bán hạ giá trong năm 2007. Khoảng 200 doanh nghiệp do nhà nước điều hành, trong đó có doanh nghiệp về phim ảnh, khách sạn, các nhà máy xay sát gạo, cũng sẽ được tư nhân hoá vào cuối tài khoá kết thúc vào tháng 3/2007.
Chính phủ Mianma còn dự định cho thuê hoặc đấu thầu các xí nghiệp, thành lập các liên doanh với mục đích giao dịch cổ phiếu tại thị trường chứng khoán, phát triển thị trường chứng khoán và cổ phiếu nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân.
Kế hoạch tư nhân hóa rộng lớn của Mianma được tiến hành cách đây hơn một thập kỷ, song sau đó đã bị gác lại do giới quân sự lãnh đạo nước này không muốn nước ngoài thâm nhập vào nền kinh tế Mianma. Giá dầu thế giới gia tăng, lệnh cấm vận của Mỹ ảnh hưởng tới nền kinh tế là hai trong những nhân tố hàng đầu thúc đẩy Chính phủ Mianma quyết định khôi phục tiến trình tư nhân hoá này. Ngoài ra, tiến trình cải cách mới nói trên còn được thúc đẩy bởi nhu cầu thu hút vốn khẩn cấp của chính phủ, đặc biệt là để tài trợ cho việc xây dựng thủ đô mới.
Các nhà phân tích cho rằng tiến trình tư nhân hoá và cải cách hiện nay được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính của nước này. Cuộc khảo sát hồi tháng 10 năm ngoái do đích thân Thủ tướng Soe Win chỉ đạo cho thấy tình hình kinh tế Mianma khá tồi tệ, dẫn đến việc thành lập một ủy ban hỗn hợp nhằm xem xét lại chính sách kinh tế của chính phủ. Bên cạnh chương trình tư nhân hoá toàn diện, ủy ban này đề nghị tăng cường tính minh bạch đối với tài khoản của các công ty; thực hiện thu thuế doanh nghiệp và cá nhân một cách có hệ thống và hiệu quả hơn; soạn thảo luật mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận của họ về nước một cách dễ dàng hơn; mở cửa khu vực truyền thông cho các nhà đầu tư thương mại nước ngoài. Theo chiều hướng này, Bộ Thông tin sẽ xem xét khả năng cho phép các nhà đầu tư tư nhân ra một tờ báo hàng ngày và một kênh truyền hình. Ủy ban hỗn hợp còn đề nghị thả nổi đồng kyat hoặc gắn đồng tiền này ở mức thấp nhất đối với đồng USD. Hiện tất cả các hoạt động giao dịch giữa các bộ trong chính phủ đều được thanh toán với tỷ giá gần bằng tỷ giá chợ đen. Tỷ giá cố định chính thức của Mianma hiện nay là 9 kyat/USD. Tuy nhiên, ngoài chợ đen tỷ giá này biến động trong khoảng gần 1.000 kyat/USD. Một nhà kinh tế cho biết phần lớn các vụ giao dịch thương mại tại Mianma đều được thanh toán bằng đồng USD. Đồng USD là đồng tiền được dễ dàng lưu thông nhất tại đây.
Các nhà phân tích kinh tế và giới doanh nghiệp Mianma cho rằng nếu không cải cách chính sách tiền tệ và tỷ giá, những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài đều sẽ không có hiệu quả. Theo họ, chỉ có cải cách mới có thể thúc đẩy được kinh doanh và tăng lòng tin của giới đầu tư.
Dư luận tại Mianma về kế hoạch cải cách kinh tế của chính phủ hiện còn khá khác nhau. Trong khi nhiều người trong giới phân tích tỏ ra bi quan thì giới doanh nghiệp lại rất lạc quan. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất rằng khó có thể dự đoán đuợc kết quả của tư nhân hóa và chương trình cải cách kinh tế, song đây là bước đi không thể né tránh để thoát khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.
TTXVN
|