Tôn mạ nhập khẩu bị điều tra
Đây là mặt hàng thép thứ hai (sau thép không gỉ) được Bộ Công thương tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào VN kể từ năm 2013 đến nay.
Ngày 4-3, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA- Bộ Công thương) cho biết bộ Công thương vừa công bố quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ (thép mạ) nhập khẩu vào VN từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc.
Việc điều tra được tiến hành sau khi bộ Công thương tiếp nhận hồ sơ khởi kiện từ bốn nhà sản xuất tôn mạ trong nước, gồm: Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam (CSVC), Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á.
Giai đoạn điều tra được xác định từ 1-10-2014 đến 30-9-2015. Nguyên đơn cáo buộc tôn mạ nhập khẩu từ các nước nói trên bán phá giá tại thị trường VN, làm các doanh nghiệp trong nước mất thị phần, tỉ lệ thua lỗ tăng cao, tồn kho nhiều…
Ông Nguyễn Thanh Trung, tổng giám đốc Công ty Cổ phần tôn Đông Á, cho biết dù tình trạng tôn mạ nhập khẩu vào VN manh nha từ mấy năm trước, nhưng giai đoạn 2014-2015, lượng tôn mạ nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) đã tăng một lượng rất lớn.
Theo ước tính của ông Trung, chỉ tính riêng năm 2015, đã có khoảng 1,6-1,8 triệu tấn tôn mạ của Trung Quốc được nhập khẩu vào VN, chiếm xấp xỉ 50% tổng lượng tôn mạ được các doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện nay.
Đặc biệt, do phần lớn tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc đều kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng lại được làm giả, làm nhái từ các thương hiệu uy tín trong nước nên có giá bán thấp hơn giá sản xuất trong nước từ 30-40%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước khi xuất khẩu sản phẩm cùng chủng loại ra thị trường nước ngoài lại gặp rất nhiều khó khăn do rào cản kỹ thuật của các nước dựng lên hòng bảo vệ thị trường nội địa của chính nước sở tại.
Trước đó, từ tháng 10-2014, sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan vào VN bị áp thuế chống bán phá giá với thuế suất từ 3,41-37,29% (tùy nước), có hiệu lực áp dụng trong vòng năm năm.
Trần Vũ Nghi
tuổi trẻ
|