Câu chuyện xuất lậu quặng sắt
Đi cùng với thất bại trong việc phát triển ngành thép Việt Nam dựa vào VNSTEEL, việc xuất lậu quặng sắt tràn lan sang Trung Quốc là vấn đề nghiêm trọng thứ hai làm ngành thép trong nước đang phải đối đầu với những khó khăn và thử thách rất lớn.
Nhập khẩu thép Trung Quốc tại cảng Bến Nghé, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
|
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI QUẶNG SẮT HIỆN TẠI: AI ĐƯỢC? AI MẤT?
Theo số liệu chính thức của hải quan Việt Nam, lượng xuất khẩu quặng sắt của nước ta năm 2013 chỉ là 1,24 triệu tấn. Nhưng theo số liệu của hải quan Trung Quốc, con số này lên đến 4,5 triệu tấn. Phần chênh lệch chủ yếu do xuất khẩu không chính thức, nhu cầu trong nước chỉ trên dưới 1,5 triệu tấn/năm.
Giá xuất khẩu bình quân của quặng sắt Việt Nam chỉ là 84,75 USD/tấn theo hải quan Trung Quốc và 48,72 USD/tấn theo hải quan Việt Nam, trong khi giá bình quân mà Trung Quốc nhập từ các nước Ấn Độ, Brazil và Úc là 135-139 USD/tấn. Đây cũng là mức giá bình quân đối với quặng sắt ở tiêu chuẩn thông thường trong năm 2013 trên thế giới. Nếu chất lượng quặng sắt Việt Nam tương đương bình quân của thế giới, do xuất khẩu tiểu ngạch bị ép giá, mỗi năm với 4,5 triệu tấn quặng sắt được xuất khẩu, Việt Nam bị thiệt hại khoảng 225 triệu USD. Phần này các doanh nghiệp của Trung Quốc được hưởng lợi.
Ước tính các chi phí “dọc đường” của việc xuất khẩu không chính thức có thể chiếm 30-40%, giá quặng sắt các doanh nghiệp sản xuất thép mua được từ các doanh nghiệp khai thác trong nước chỉ khoảng 55 USD/tấn. Với khoảng 1,5 triệu tấn quặng sắt, các doanh nghiệp này sẽ được lợi khoảng 120 triệu USD hay khoảng 2.500 tỉ đồng.
Lợi ích lớn nhất của chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt hiện nay là tạo lợi thế cho những doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng công nghệ lò cao, tạo tích lũy trong một thời gian để có thể cạnh tranh quốc tế. Nói một cách cụ thể, hiện tại Hòa Phát (HPG) và Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có lợi thế nhất. Trong hai doanh nghiệp này, với cơ cấu cồng kềnh và gặp phải những vấn đề cố hữu của DNNN, triển vọng có thể trở nên cạnh tranh hơn của TISCO là rất thấp.
Ở phía ngược lại, việc cấm xuất khẩu quặng sắt hiện nay đang và sẽ gây ra những tổn thất rất lớn cho Việt Nam. Thứ nhất, chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt đang tạo lợi thế cho chính đối thủ trực tiếp nhất của các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam là các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc. Do bị ép giá mà Việt Nam đang mất đi vài trăm triệu USD mỗi năm.
Điều nghiêm trọng là ở chỗ các doanh nghiệp Trung Quốc mua quặng sắt của Việt Nam với giá rẻ, sau đó sản xuất thép và bán ngược lại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước khó có thể chống đỡ nổi. Đây là một lý do giải thích tại sao Việt Nam bị “ngập lụt” bởi thép nói riêng và nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc nói chung.
Thứ hai, việc xuất khẩu lậu quặng sắt tạo điều kiện cho tham nhũng cũng như sự không minh bạch hoành hành và làm môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng bị xói mòn. Thứ ba, chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt đã tạo sân chơi không bình đẳng. Vô hình trung các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đổi mới dường như lại bị trừng phạt vì sự đi đầu của mình. Chính chủ tịch hiệp hội thép hiện nay đã nêu ra vấn đề này trong một buổi trao đổi với nhóm tác giả. Điều này không chỉ làm xói mòn lòng tin đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép mà còn ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của các doanh nghiệp dân doanh khác, nền tảng thật sự của kinh tế Việt Nam.
Để có thể tạo ra một ngành sản xuất thép cạnh tranh thì các chính sách cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và đầu tư vào các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, với chính sách hiện tại thì một số doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị bài bản với tầm nhìn dài hạn đang ở vị trí hết sức bất lợi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà cả ngành thép Việt Nam nói chung. Với chính sách này và cách thức cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước như hiện nay, khả năng bị rơi vào vị trí bất lợi khi Việt Nam phải mở cửa ngành thép từ năm 2017 là rất cao.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH
Những phân tích của chúng tôi cho thấy có những trục trặc nghiêm trọng trong việc định hình và thực thi chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam. Để khắc phục những vấn đề của ngành thép nói riêng, một số vấn đề mang tính chiến lược khác nói chung, Nhà nước nên xem xét ba vấn đề sau:
Thứ nhất, trong quá trình đổi mới thể chế, đổi mới cách thức phân bổ nguồn lực theo hướng tập trung vào những đối tượng sử dụng nguồn lực và mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế là một trong những vấn đề then chốt của Việt Nam hiện nay. Đối với ngành thép, việc dành các nguồn lực để phát triển là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực cần tránh sự tự định dồn cho các DNNN như hiện nay, mà doanh nghiệp nào hiệu quả thì được nhận nhiều nguồn lực.
Thật ra các doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế, do vậy các chính sách nên tập trung để khuyến khích khu vực này phát triển, đồng thời xem lại những ưu đãi không hợp lý với các doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, một doanh nghiệp tư nhân trong nước mạnh sẽ có lợi hơn nhiều so với một doanh nghiệp FDI mạnh. Ngoài yếu tố tạo ra việc làm và nguồn thu ngân sách, yếu tố quốc gia, quê hương sẽ làm các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn đến nơi mình hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, cần rà soát các chính sách và chiến lược phát triển các ngành, nhất là các ngành và các dự án quan trọng để lường đoán và giảm thiểu những tác động của xung đột lợi ích đối với các bên hỗ trợ Việt Nam. Như phân tích ở trên, xét về lợi ích quốc gia, Trung Quốc không có động cơ để giúp Việt Nam xây dựng một ngành thép có sức cạnh tranh, do vậy cần phải hạn chế tối đa những tác động của việc họ tham gia trong lĩnh vực này cũng như các ngành then chốt khác.
Thứ ba, ở bối cảnh hiện nay, việc mở cửa hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt có thể vấp phải những trở lực rất lớn. Tuy nhiên, một chính sách dung hòa hơn là nên cho phép việc xuất khẩu quặng sắt và áp dụng mức thuế hợp lý mà nó là phần thưởng cho việc đầu tư vào lò cao của một số doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra bất lợi quá lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất thép khác.
Chính sách này có khả năng sẽ làm thị trường quặng sắt minh bạch hơn, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn xuất khẩu hơn thay vì chỉ xuất sang Trung Quốc qua con đường xuất lậu. Khi đó, khả năng cao là giá quặng bán được sẽ cao hơn cho Việt Nam và phần mà Trung Quốc được lợi sẽ giảm. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và tồn tại của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Thứ tư, việc thiết kế và ban hành các chính sách của Nhà nước nên theo hướng ổn định và dài hạn để giảm thiểu rủi ro đối với các doanh nghiệp. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng vì chỉ có môi trường kinh doanh và môi trường vĩ mô ổn định mới có thể ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội thay vì hầu hết mọi người phải tập trung vào việc đánh quả.
Huỳnh Thế Du, Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đinh Công Khải
Tuổi trẻ
|