Thứ Tư, 02/10/2019 13:01

TVN - Giá giảm nhiều không có nghĩa là rẻ

Giá cổ phiếu của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (UPCoM: TVN) đã sụt giảm liên tục từ đầu năm 2018 đến cuối tháng 09/2019. Câu hỏi đặt ra là mức giá hiện nay đã thực sự rẻ hay chưa?

Trụ sở của TVN. Nguồn: Báo Đấu thầu

Ông lớn trong ngành thép

Năm 2018 là năm đầy khởi sắc của ngành thép khi sản lượng sản xuất đạt 24.2 triệu tấn, tăng trưởng 14.9% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2019, thị trường tương đối ổn định về giá cả và sản phẩm.

Tuy nhiên, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại. Ngoài ra, các tác động từ biến động giá cả nguyên liệu đầu vào, tình trạng cung vượt cầu thế giới ... đang là những thử thách lớn mà ngành này phải đối mặt.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đến cuối năm 2019 và năm 2020 nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh có thể giảm.

Sự cạnh tranh trong ngành này là khá gay gắt. Với mặt hàng thép xây dựng thì HPG đang dẫn đầu về thị phần. TVN hiện đang đứng ở vị trí thứ hai trong ngành. Theo sau hai ông lớn này là bộ ba POM, Posco SS Vina và VinaKyoei. Theo giới phân tích, thị phần ngành thép đã được phân chia khá rõ nét và khó có thể thay đổi lớn trong tương lai gần ở các vị trí dẫn đầu.

Nguồn: VSA

Giá quặng sắt đã thiết lập xu hướng tăng dài hạn

Giá quặng sắt từng trải qua một đợt sụt giảm kéo dài trong suốt giai đoạn 2011-2015. Giá lao dốc từ mức 188 USD/tấn xuống còn 38 USD/tấn. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi hoàn toàn kể từ đầu năm 2016.

Sau khi tích lũy trong vùng 38-42 USD/tấn, giá quặng sắt tạo những đáy cao hơn và đỉnh cao hơn (higher low, higher high) liên tục trong những tháng tiếp theo. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc xu hướng tăng dài hạn đã quay trở lại.

Đặc biệt, cú bứt phá từ mức 70 USD/tấn lên mức 120 USD/tấn trong 6 tháng đầu năm 2019 dự kiến sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận (profit margin) của các doanh nghiệp sản xuất thép nói chung và TVN nói riêng.

Mặc dù giá quặng sắt đã suy giảm trở lại nhưng giới phân tích dự kiến đà giảm này sẽ chững lại khi test trendline hỗ trợ dài hạn (tương đương vùng 70-75 USD/tấn).

Nguồn: TradingView

DER ở mức trung bình nhưng ROE khá thấp

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu (DER - Debt to Equity Ratio) của TVN tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Mặc dù tăng nhưng tỷ lệ này vẫn duy trì dưới mức 50% và thấp hơn khá nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành khác như CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) hay CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG)…

Tuy nhiên, ROE của TVN cũng thuộc nhóm thấp nhất trong ngành. Đây là một trong những lý do khiến cho cổ phiếu TVN kém thu hút đối với cộng đồng đầu tư.

Mặt khác, việc đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết như Công ty TNHH Cảng Quốc tế Thị Vải, CTCP Tân Thành Mỹ, CTCP Địa ốc Thép VN-Quang Huy … cũng gây khá nhiều lo ngại khi mà đối thủ cạnh tranh chính là HPG luôn tập trung mở rộng sản xuất kinh doanh chứ không đầu tư ngoài ngành quá nhiều.

Nguồn: VietstockFinance

Định giá cổ phiếu

Do TVN đang là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong ngành thép ở Việt Nam nên không có so sánh tương đương từ các cổ phiếu đang giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM (trừ HPG). Việc sử dụng các cổ phiếu nội địa làm mẫu so sánh ngang để định giá TVN sẽ không được hợp lý và toàn diện.

Người viết sử dụng thêm các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới có mức vốn hóa thị trường gần bằng hoặc lớn hơn TVN để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu. Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn chủ yếu nằm trong khu vực Châu Á.

Mức P/E, P/B và EV/EBITDA trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành lần lượt là 10.59, 0.63 và 6.62 lần. Như vậy, ta có mức định giá của TVN là 5,695 đồng.

Mặc dù TVN đã điều chỉnh gần 40% so với mức đỉnh cũ hồi tháng 01/2018 nhưng theo kết quả bên trên thì giá thị trường hiện tại của cổ phiếu này vẫn không hề rẻ so với triển vọng doanh nghiệp trong tương lai gần. Nhà đầu tư chỉ nên mua vào nếu giá rơi xuống dưới mức 5,695 đồng.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   IDC - Đa ngành không phải lúc nào cũng tốt (26/09/2019)

>   MWG - Đã đến lúc chia tay? (25/09/2019)

>   CTG giữa “đại dương đỏ” (24/09/2019)

>   DRC - Cổ phiếu săm lốp vẫn còn cơ hội đầu tư (20/09/2019)

>   CTI - Đã đến lúc gom hàng? (19/09/2019)

>   VEA - Sau cơn mưa liệu trời có sáng? (17/09/2019)

>   VGC - Tiềm năng lớn, thách thức nhiều (11/09/2019)

>   Đâu là động lực giúp kết quả kinh doanh PME tăng trưởng trong dài hạn? (05/09/2019)

>   DVP - Từ từ đi lên (03/09/2019)

>   VCS - Tăng trưởng đi kèm rủi ro (27/08/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật