Ngân hàng “chật vật” tìm người có nhu cầu mua tài sản thế chấp
Tài sản thế chấp cho khoản nợ hàng trăm tỷ đồng được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) rao bán 4 lần nhưng vẫn chưa tìm được “chủ mới”.
Vừa qua, BIDV tiếp tục phát đi thông báo lần thứ 5 để tìm người có nhu cầu mua tài sản thế chấp từ khoản nợ của CTCP Hằng Hà.
BIDV cho biết tổng dư nợ của Công ty Hằng Hà tính đến hết ngày 31/10/2024 hơn 730 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 434 tỷ đồng, còn nợ lãi và phí phạt quá hạn hơn 296 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay nói trên là các công trình cùng với các nâng cấp và bất động sản khác được gắn liền hay tọa lạc vĩnh viễn tại các công trình trong thời điểm hiện tại và tương lai, các công trình xây dựng và bất động sản khác được xây dựng và/hoặc mua sắm trong phạm vi khu đất tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cấp ngày 05/12/2017.
Phối cảnh Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang. Ảnh: Cotec Health Care
|
Khu đất được thế chấp cho khoản vay chính là Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang, quy mô 120 giường, công suất khám 600 lượt/ngày, phục vụ sinh 70 ca/ngày.
Để xử lý khoản nợ xấu hơn 730 tỷ đồng của Hằng Hà, BIDV quyết định bán tài sản bảo đảm trên với giá khởi điểm hơn 534 tỷ đồng, giảm gần 197 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 27%, so với mức giá khởi điểm gần 731 tỷ đồng được Ngân hàng đưa ra ở lần đấu giá đầu tiên.
Mức giá khởi điểm này không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Trước đó, BIDV cũng từng chật vật xử lý khoản nợ nghìn tỷ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên với 9 lần rao bán.
Khoản nợ được đem ra bán đấu giá bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ. Cụ thể, tính đến ngày 26/7/2024 là hơn 5,720 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 2,506 tỷ đồng và dư nợ lãi là 3,215 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton) ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM và quyền khai thác mỏ đá tại xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Tại lần đấu giá thứ 9, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4,419 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên, giá khởi điểm đã giảm hơn 1,300 tỷ đồng, tương ứng giảm 23%.
Công ty Tài Nguyên là chủ đầu tư của “siêu” dự án Kenton Node với vốn đầu tư 300 triệu USD. Dự án này có tên ban đầu là Kenton Residence, khởi công năm 2009, nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè, TPHCM).
Cận cảnh khối bê tông đồ sộ ở dự án Kenton Node
|
Theo quy hoạch ban đầu, dự án có diện tích 9.1ha, gồm 9 tòa tháp cao từ 15-35 tầng với 1,640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm 20,000m2. Thế nhưng, do thị trường khó khăn, năm 2011, toàn bộ công trình đã ngừng thi công. Hiện tại, dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, chưa có dấu hiệu thi công trở lại.
Khang Di
FILI - 14:28:15 26/03/2025
|