Thứ Bảy, 08/02/2025 13:02

"Thuyết gã điên" trong chính sách thuế quan: Khi sự bất ổn còn đáng sợ hơn thuế

Hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người liên tưởng đến "thuyết gã điên" trong ngoại giao. Khi đối phó với các quốc gia khác, việc họ nghĩ bạn điên rồ có thể mang lại lợi thế. Bằng cách biến những đe dọa trở nên đáng tin, ngay cả khi chúng có thể gây hại cho chính đất nước mình, danh tiếng như vậy sẽ giúp giành lợi thế trong các cuộc đấu trí căng thẳng.

Tuy nhiên, dù có giá trị gì về mặt địa chính trị, chiến thuật này khó lòng áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế. Những nhà lãnh đạo khó đoán định và tính bất ổn họ tạo ra sẽ kìm hãm đầu tư và tuyển dụng, cả trong và ngoài nước. Trong nỗ lực giành phần chiến lợi phẩm lớn hơn, chính sách đấu đá này đang làm giảm tổng quy mô "chiến lợi phẩm" mà các bên có thể chia nhau.

Cách tiếp cận thương mại của Donald Trump minh họa rõ nét điều này. Kể từ khi đắc cử, ông liên tục đe dọa áp đặt nhiều đợt thuế quan phức tạp, ban hành rồi đình chỉ thuế với Canada và Mexico, và cuối cùng là đánh thuế lên Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Dario Caldara, Chuyên gia tại Fed, và các đồng nghiệp, tỷ lệ các bài báo trên báo Mỹ chứa các từ như "thuế quan" hoặc "thuế nhập khẩu" kèm với các từ "bất ổn" hoặc "đáng ngờ" trong ba tháng qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1960.

Tỷ lệ bài báo đề cập tới bất ổn thương mại

Bất ổn khiến các bên do dự. Hãy xem xét trường hợp một công ty đang tìm cách xây dựng nhà máy ở Trung Quốc hoặc Mexico để phục vụ thị trường Mỹ. Khi Trump đe dọa thuế 60% với Trung Quốc năm ngoái, họ có thể đã ưu tiên Mexico. Nhưng khi ông Trump nói sẽ áp thuế 25% với Mexico và chỉ 10% với Trung Quốc, họ lại phải cân nhắc chuyển hướng. Và rồi ông trì hoãn áp thuế Mexico nhưng thực thi thuế Trung Quốc, có lẽ họ sẽ quyết định án binh bất động cho đến khi tình hình ổn định. Dù việc chờ đợi và quan sát là thận trọng đối với doanh nghiệp, nó lại gây tổn hại cho toàn bộ nền kinh tế. Ngay cả khi nhà máy cuối cùng được xây dựng, sản lượng đã mất do trì hoãn sẽ không thể bù đắp.

Bất ổn cũng có thể làm tổn hại các hình thức đầu tư ít hữu hình hơn. Nhiều công ty đầu tư vào mối quan hệ với người mua hoặc nhà cung cấp, thích ứng với nhu cầu đặc thù của họ. Theo nghiên cứu của Julien Martin thuộc Đại học Quebec ở Montreal và cộng sự, những mối quan hệ "gắn kết" như vậy giữa các công ty Pháp và đối tác châu Âu chiếm tỷ trọng đáng kể trong thương mại, với một số mối quan hệ kéo dài hơn sáu năm. Tuy nhiên, khi bất ổn gia tăng, các công ty trở nên e ngại hơn trong việc thiết lập các mối quan hệ kinh doanh mới.

Tác động kinh tế có thể được minh họa qua phản ứng của thị trường trước các cuộc chiến thương mại trước đây của Trump. Mary Amiti từ Fed khu vực New York và các đồng nghiệp chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm tổng cộng 12% trong 11 ngày của năm 2018 và 2019 khi Mỹ hoặc Trung Quốc công bố thuế quan, qua đó xóa sổ hơn 4,000 tỷ USD giá trị thị trường. Qua phân tích phản ứng của giá quyền chọn và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, các nhà kinh tế ước tính khoảng một nửa mức giảm này phản ánh tâm lý tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn thay vì chỉ đơn thuần là thay đổi trong kỳ vọng lợi nhuận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cuộc chiến cũng gây tổn thương không nhỏ cho Trung Quốc. Felipe Benguria thuộc Đại học Kentucky và các đồng nghiệp đã phân tích kỹ báo cáo thường niên của hơn 2,000 công ty Trung Quốc niêm yết, tìm kiếm các đề cập về thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ và các dấu hiệu của bất ổn, khủng hoảng. Họ phát hiện mức độ lo lắng trong kinh doanh đã tăng hơn 300% từ 2016 đến 2018. Các tác giả phân biệt giữa "nỗi đau" trực tiếp từ thuế quan và "lo âu" từ bất ổn, chỉ ra rằng ngay cả khi loại trừ tác động của thuế quan, sự lo âu vẫn ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận và đầu tư.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đến nay vẫn tương đối bình tĩnh trước thuế quan mới của Trump. Trong vài tháng qua, họ đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất ổn. Mới đây, ông Trump đã bỏ quy chế miễn trừ de minimis - vốn cho phép các gói hàng dưới 800 USD được miễn thuế thuế quan với lý do chúng không đáng để thu thuế. (Chính phủ không nên chi 1 USD để thu 50 xu, như một quan chức đã nói vào những năm 1950). Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã trở nên thành thạo trong việc khai thác lỗ hổng này.

Tuy nhiên, giờ khi quy chế này bị Trump bãi bỏ, cơ quan hải quan Mỹ lại thiếu nguồn lực để kiểm tra toàn bộ các gói hàng giá trị thấp này. Và gánh nặng thực thi bổ sung có thể tốn kém đối với các nhà xuất khẩu không kém gì bản thân thuế quan. Một số nhà xuất khẩu sang Mỹ có thể cần đầu tư vào kho bãi và hệ thống phân phối mới. Trước khi thực hiện khoản đầu tư đó, họ sẽ phải chắc chắn rằng ông Trump không thay đổi ý định một lần nữa.

Mỹ đã cho Canada và Mexico một tháng để đàm phán về vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, ngay cả khi họ có thể đạt được thỏa thuận, sự bất ổn gần đây đã gây tổn thất nghiêm trọng cho cả ba nền kinh tế và làm suy yếu lòng tin giữa các đối tác thương mại.

Để hiểu rõ hơn, hãy nhìn vào hai hiệp định thương mại quan trọng giữa ba nước này: NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ) và phiên bản cập nhật của nó là USMCA. Giá trị lớn nhất của những hiệp định này không chỉ nằm ở việc tự do thương mại, mà còn ở việc tạo ra một khung pháp lý ổn định. Khi các chính phủ bị ràng buộc bởi những quy tắc rõ ràng, các doanh nghiệp có thể yên tâm xây dựng chuỗi sản xuất xuyên biên giới, như một nhà máy ở Mexico sản xuất linh kiện cho nhà máy lắp ráp ở Mỹ.

Tuy nhiên, cách hành xử thiếu nhất quán gần đây đã khiến những mạng lưới sản xuất này trở nên bất ổn. Khi một nhà lãnh đạo có những quyết định bất ngờ và khó đoán định, điều đó có thể khiến các mối đe dọa của họ trở nên đáng sợ hơn trong ngắn hạn. Nhưng cái giá phải trả là sự suy giảm niềm tin vào các cam kết dài hạn - những cam kết mà đáng ra có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Vũ Hạo (Theo The Economist)

FILI - 12:00:00 08/02/2025

Các tin tức khác

>   IMF đánh giá thận trọng về các biện pháp thuế quan của Mỹ (07/02/2025)

>   Amazon, Temu và Shein: Ai sẽ thống trị thị trường thương mại điện tử Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump? (10/02/2025)

>   Mỹ quyết theo đuổi chính sách đồng USD mạnh (07/02/2025)

>   Token hóa tín chỉ carbon: Cuộc cách mạng xanh trong kỷ nguyên số (11/02/2025)

>   Đầu tư năng lượng sạch trên toàn cầu lần đầu tiên vượt 2.000 tỉ đô la (07/02/2025)

>   Mỹ nhận lại bưu kiện từ Trung Quốc và Hồng Kông sau 12 giờ gây hoang mang (06/02/2025)

>   Trung Quốc cân nhắc điều tra Apple giữa căng thẳng thương mại với Mỹ (06/02/2025)

>   Thâm hụt thương mại Mỹ tăng vọt trước thềm nhiệm kỳ Trump (06/02/2025)

>   Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói sẽ tập trung kiểm soát lợi suất trái phiếu 10 năm, không phải Fed (06/02/2025)

>   Fed cảnh giác trước thuế quan của Trump (06/02/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật