Lãi suất tiền gửi giảm nhẹ sau Tết Nguyên đán
Việc giảm lãi suất tiền gửi đầu tháng 2/2025 chủ yếu xuất phát từ thanh khoản dồi dào sau Tết, nhu cầu tín dụng giảm, chính sách tiền tệ nới lỏng và chiến lược tối ưu hóa chi phí vốn của ngân hàng.
Từ ngày 07/02/2025, Bac A Bank (BAB) giảm từ 0.2-0.3 điểm phần trăm lãi suất so với kỳ điều chỉnh trước. Cụ thể, với khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, Ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 2.6%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5.05%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5.6%/năm và trên 12 tháng là 6%/năm.
Trong khi đó, NCB chỉ giảm lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng từ ngày 11/02/2025. NCB giảm 0.1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 6 tháng xuống còn 5.35%/năm, giảm 0.15 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 9 tháng xuống còn 5.45%/năm.
TPBank giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng, còn 3.5 - 3.8%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng duy trì từ 1.6-2.2%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức 1.9-2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 2.9-3%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 4.6-4.7%/năm.
Tính đến ngày 11/02/2025, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 1.5 - 4.6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 2.9 - 5.7%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3.7 - 5.9%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, BVBank có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 5.9%/năm. Kế đó là DongABank và Saigonbank cùng ở mức 5.8%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, DongABank giữ mức lãi suất cao nhất ở 5.55%/năm. Kế đó là NCB ở mức 5.35%/năm.
Trong khi kỳ hạn 3 tháng đang có mức lãi suất cao nhất tại Nam A Bank là 4.5%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 11/02/2025
 |
Theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi, các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi đầu tháng 2 vừa qua được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố.
Đầu tiên, thanh khoản dồi dào sau Tết nhờ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và kiều hối chảy mạnh vào ngân hàng. Khi lượng tiền gửi lớn mà nhu cầu tín dụng giảm sau cao điểm cuối năm, ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất huy động để tránh dư thừa vốn.
Thứ hai, nhu cầu tín dụng giảm sau mùa cao điểm cuối năm. Trước Tết, nhu cầu vay vốn tăng cao để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhập hàng Tết. Đến sau Tết, doanh nghiệp và cá nhân không còn nhu cầu vay lớn, dẫn đến tín dụng giải ngân chậm lại. Khi cung tiền gửi vượt cầu tín dụng, ngân hàng không cần cạnh tranh lãi suất huy động cao để thu hút vốn.
Thứ ba, chính sách tiền tệ nới lỏng từ một số ngân hàng trung ương, cũng tạo áp lực giảm lãi suất lên các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, làm giảm mặt bằng lãi suất chung.
Thứ tư, khi tín dụng chững lại và nguồn tiền gửi dồi dào, các ngân hàng có động lực giảm lãi suất huy động để cắt giảm chi phí vốn đầu vào, giúp cải thiện biên lợi nhuận (NIM). Việc giảm lãi suất huy động còn giúp ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay, đáp ứng định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Xu hướng chung lãi suất vẫn tăng trong thời gian tới
Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng chung mặt bằng lãi suất tháng 1 có tăng lên, nhưng trong tháng 2 lại có một số ngân hàng có nhu cầu vốn tín dụng thấp do vừa sau Tết hoặc điều chỉnh lại sản xuất chưa có nhu cầu về vốn. Vì thế lãi suất tiền gửi có sụt giảm là điều bình thường. Thế nhưng, xu hướng chung lãi suất trong thời gian tới vẫn là tăng.
Ông Nguyễn Quang Huy dự báo trong ngắn hạn (quý 1 - quý 2/2025), lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ, do thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng sau Tết còn thấp, khó có thể tăng ngay. NHNN có thể tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng, khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kéo theo lãi suất huy động giảm.
Nhìn xa hơn, lãi suất trong quý 3-4 có thể ổn định và tăng nhẹ. Nếu nền kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng tốc, nhu cầu tín dụng có thể gia tăng vào cuối năm, đẩy lãi suất huy động tăng nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá lớn do NHNN vẫn ưu tiên chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nếu lạm phát trong nước được kiểm soát tốt, NHNN có thể tiếp tục giữ lãi suất thấp trong trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Cát Lam
FILI - 12:00:00 13/02/2025
|