CASA ngân hàng tăng vọt: Tiền đang chờ cơ hội mới?
Việc CASA tăng mạnh trong năm 2024 không chỉ phản ánh tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư mà còn cho thấy dòng tiền đang chờ đợi một cú hích đủ mạnh để bùng nổ.
CASA hồi phục vào cuối năm 2024
Số liệu từ VietstockFinance cho thấy, tính đến 31/12/2024, tổng lượng tiền gửi khách hàng tại 27 ngân hàng là gần 11.14 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là hơn 2.42 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Có 19/27 ngân hàng hồi phục CASA so với đầu năm, với tốc độ bình quân tăng 27%; trong đó, SeABank (SSB) tăng mạnh nhất (gấp 2 lần), tiếp theo là NCB (NVB, +98%), OCB (+36%).
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng ghi nhận CASA sụt giảm với tốc độ bình quân 15% như Vietbank (VBB, -38%), Bac A Bank (BAB, -33%), VieABank (VAB, -15%).
Tuy nhiên, lượng CASA cao nhất vẫn thuộc về nhóm quốc doanh với Vietcombank (VCB, 529,738 tỷ đồng; +15%), VietinBank (CTG, 383,112 tỷ đồng; +23%), BIDV (380,294 tỷ đồng; +14%).
MB (MBB) tiếp tục dẫn đầu nhóm tư nhân (271,580 tỷ đồng; +26%), kế đó là Techcombank (TCB, 191,720 tỷ đồng, +11%) và ACB (118,184 tỷ đồng; +14%).
CASA tại các ngân hàng tính đến 31/12/2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Tỷ lệ CASA cải thiện, dòng tiền chờ đợi hay thị trường chưa đủ hấp dẫn?
Tính đến cuối quý 4/2024, có 14/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với đầu năm; nhưng nếu so với cuối quý 3, có đến 22 ngân hàng cải thiện tỷ lệ này.
MBB dẫn đầu hệ thống ngân hàng về tỷ lệ CASA, đạt 38.03%, dù giảm nhẹ so với đầu năm. Kế đó là TCB với 35.94%, thứ ba là VCB (34.97%) và thứ tư là MSB (24.92%).
Lý giải cho tăng trưởng tỷ lệ CASA, đại diện Techcombank cho biết, các giải pháp đột phá dựa trên dữ liệu như Sinh lời tự động, Chương trình khách hàng thân thiết (Techcombank Rewards), cùng với nhiều tính năng mới dành cho nhà bán lẻ (merchant) đã góp phần thúc đẩy số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng tới 27% trong năm 2024.
Trong khi đó, đại diện MSB chia sẻ, tỷ lệ đóng góp CASA tương đối đồng đều giữa các phân khúc cá nhân, SME và doanh nghiệp lớn trong tổng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng. Trong đó, phân khúc chính đóng góp khoảng 27,000 tỷ đồng CASA.
Tỷ lệ CASA tại các ngân hàng cuối năm 2024 cải thiện
Nguồn: VietstockFinance
|
Lượng CASA tại các ngân hàng tăng đến 16% so với đầu năm, phản ánh một lượng tiền khổng lồ đang “nằm” trong hệ thống tài chính. Đây là tín hiệu tích cực cho thanh khoản ngân hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi vì sao dòng tiền này không chảy vào đầu tư.
Năm qua, thị trường tài chính trải qua giai đoạn đầy biến động. Các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán vốn là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền nhàn rỗi lại gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, dòng tiền nhàn rỗi tìm đến ngân hàng như nơi trú ẩn an toàn, sẵn sàng chờ đợi cơ hội đầu tư rõ ràng hơn. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã tung ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn cho tiền gửi không kỳ hạn, tạo động lực giữ chân dòng tiền CASA ở trạng thái chờ.
Dòng tiền CASA 2025 sẽ “chảy” về đâu?
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, sự tăng trưởng mạnh mẽ của CASA không chỉ là dấu hiệu của sự phòng thủ. Đó còn là chỉ báo cho một làn sóng đầu tư mới đang hình thành. Năm 2025, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hơn, một số kênh đầu tư có thể trở thành điểm đến của dòng tiền này.
Chính phủ đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, tạo ra cơ hội lớn cho người mua ở thực. Bất động sản nhà ở xã hội và phân khúc bình dân có thể là phân khúc đầu tiên thu hút dòng tiền trở lại.
Nếu Việt Nam chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm 2025, dòng vốn ngoại sẽ quay lại mạnh mẽ, tạo ra cú hích lớn cho thị trường chứng khoán. Đây có thể là thời điểm vàng để dòng tiền CASA nhập cuộc.
Các doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội cho các startup và doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Dòng vốn CASA có thể chảy vào các mô hình kinh doanh tiềm năng này.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng logistics. Bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2025.
Ngành du lịch sau đại dịch đang lấy lại đà tăng trưởng. Dòng tiền có thể tìm đến các mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí…
Nhìn chung, năm 2025 sẽ là thời điểm quan trọng để quan sát sự dịch chuyển của dòng vốn CASA. Khi những cơ hội rõ ràng hơn xuất hiện, dòng tiền CASA sẽ không còn “ngủ yên” trong ngân hàng mà sẽ chảy vào những lĩnh vực thực sự tiềm năng.
Cát Lam
FILI - 08:00:00 17/02/2025
|