Việt Nam vượt Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc, đánh dấu sự dịch chuyển sâu sắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vị thế ngày càng tăng của đất nước hình chữ S.
Theo công bố mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2024 đã đạt mức kỷ lục 162 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước và vượt qua con số 152 tỷ USD xuất khẩu sang Nhật Bản.
Giá trị xuất khẩu tới Việt Nam cao hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc
|
Điều đáng chú ý là sự tăng trưởng này chủ yếu do xuất khẩu linh kiện sang Việt Nam tăng mạnh, nơi chúng được lắp ráp rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác.
Theo số liệu của Trung Quốc đến tháng 11 năm ngoái, linh kiện điện tử bao gồm mô-đun màn hình và bộ nhớ máy tính chiếm 8 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất. Bên cạnh các linh kiện điện tử, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc.
Top 10 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất tới Việt Nam
|
Sự dịch chuyển này phản ánh một xu hướng rõ rệt trong chiến lược sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam làm điểm đến mới để né tránh thuế quan của Mỹ, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc.
Các ông lớn ngành điện tử như Samsung Electronics, Luxshare Precision Industry và Hon Hai Precision Industry (Foxconn) đã đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam trong những năm gần đây để lắp ráp các sản phẩm như AirPods và MacBook.
"Chúng tôi đã chứng kiến ngày càng nhiều công ty chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh rủi ro thuế quan trong tương lai", ông Nguyễn Mai, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Việt Nam chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh rằng xu hướng này đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với chip AI cũng đã tạo động lực cho các khoản đầu tư mới vào Việt Nam. Điển hình như Foxconn đã bắt đầu sản xuất card đồ họa AI của Nvidia tại Việt Nam từ năm ngoái, với nguồn linh kiện chính như mạch tích hợp và bo mạch in được nhập từ Trung Quốc, theo dữ liệu từ NBD, một đơn vị cung cấp dữ liệu hải quan tư nhân.
Phần lớn sản phẩm hoàn thiện được vận chuyển đến khách hàng Mỹ, đẩy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên mức kỷ lục trong năm 2024 (tính đến tháng 11). Tuy vậy, điều này có thể đặt đất nước hình chữ S vào tầm ngắm của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông từng bày tỏ quan ngại về cán cân thương mại với Việt Nam vào năm 2019.
Mỹ đã có những động thái cụ thể để đối phó với xu hướng này. Chính quyền Biden đã áp thuế lên các tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất tại Việt Nam và ba quốc gia Đông Nam Á khác vào cuối năm ngoái, nhắm vào các công ty Trung Quốc đang tìm cách né tránh thuế quan của Mỹ thông qua việc đầu tư vào các nước này.
"Từ những gì Trump đã nói trước đây và với chính sách 'Nước Mỹ trên hết' của ông ấy, chúng ta có thể thấy thuế quan cao hơn và các thách thức thương mại khác như rào cản kỹ thuật trong năm nay", ông Mai nói.
"Nhưng chúng tôi cũng tin rằng chính quyền Trump, giống như chính quyền Biden, sẽ nhận ra tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của họ và những lợi ích song phương mà hai thị trường có thể mang lại cho nhau".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI - 14:41:49 15/01/2025
|