Vì sao du lịch Việt vẫn chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Theo các chuyên gia trong ngành, giờ đây thế giới đã “là một thế giới khác.” Những bất cập khó tháo gỡ đã khiến du lịch Việt Nam chưa thể tạo sức bật trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách quốc tế đã trở lại Việt Nam sau "quãng nghỉ" đại dịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
|
Du lịch Việt những năm gần đây được đánh giá là điểm sáng của “bức tranh” kinh tế nước nhà. Sự tăng trưởng của ngành này đã tác động lan tỏa sâu rộng đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành thừa nhận, nền “công nghiệp không khói” nước ta vẫn đang đối mặt với không ít tồn tại, khó khăn và sẽ còn phải “chỉnh trang” nhiều trên hành trình vươn mình thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu của Chính phủ.
Du lịch Việt “chạy dài” theo “một thế giới khác”
Mặc dù chưa bao giờ du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao như trong ba năm 2017-2019, đóng góp 9,2% GDP, song Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng "du lịch vẫn chưa thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều yếu kém, bất cập vẫn chưa được khắc phục."
Theo các chuyên gia trong ngành, giờ đây thế giới đã “là một thế giới khác.” Năm 2023, trong khi du lịch Thái Lan chiếm tới 23% GDP, Philippines 22,5%, thậm chí như du lịch Campuchia cũng chiếm tới 25,8% tổng GDP, thì với “đỉnh” 9,2% nêu trên, đóng góp của du lịch Việt Nam vào GDP vẫn thấp hơn mức bình quân thế giới - 10,3%.
Mục tiêu của Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực tế nhận thức của các cấp, ngành địa phương về nhiệm vụ này vẫn chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí; sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ…
Du lịch Việt từng có giai đoạn đóng góp 9,2% vào GDP. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
|
Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy, công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là với các loại hình du lịch mới; quy trình xây dựng, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan phát triển du lịch còn rườm rà; cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch còn hạn chế; hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam dù đã phát triển đa dạng hơn nhưng chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa cao, chưa tạo dựng được thương hiệu đẳng cấp, khả năng cạnh tranh đột phá…
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định sau đại dịch, hiện các quốc gia đang cạnh tranh du lịch thông qua 4 hình thức: chính sách, xúc tiến, quảng bá-truyền thông và thế mạnh quốc gia.
“Đã đến lúc Việt Nam cần xem lại sức mạnh cạnh tranh trong chính sách với các nước trong khu vực, xem lại những bất cập của Luật Du lịch 2017, từ đó tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần đánh giá lại nguồn lực tài chính, chính sách và nhân lực,” lãnh đạo Vietravel nêu ý kiến.
Về những bất cập trong Luật mà đại diện Vietravel nói đến, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia thừa nhận một số vướng mắc cần được tháo gỡ, như một số nội dung trong Luật chưa bao quát đầy đủ các loại hình lưu trú mới (bãi cắm trại du lịch, famstay, khách sạn bệnh viện, capsule hotel - buồng kén, mô hình kinh doanh dịch vụ căn hộ du lịch); chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cho một số loại hình du lịch như du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp, làng văn hóa du lịch; thành phần hồ sơ cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành còn khá đơn giản, mức tiền ký quỹ thấp, chưa bảo đảm cho quyền và lợi ích của khách du lịch nếu sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về du lịch với các cơ sở đào tạo trong việc xác minh tính pháp lý của văn bằng, chứng chỉ… Những điều này gây khó khăn trong thực tế triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch, chính sách thu hút đầu tư du lịch.
Du lịch Huế trở thành điểm đến di sản thu hút du khách trong và ngoài nước nhờ hoạt động nghệ thuật trải dài suốt 4 mùa trong năm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
|
Các chính sách ưu đãi về phát triển du lịch còn ít, chậm triển khai, thời gian hỗ trợ ngắn, hiệu quả chưa cao. Quy định về đăng ký kinh doanh và quản lý dịch vụ qua các nền tảng trực tuyến Airbnb, Agoda, Booking.com… chưa rõ ràng và chưa đồng bộ với các quy định pháp luật…
Tháo gỡ “điểm nghẽn,” tạo sức bật cho du lịch Việt
Trong nỗ lực vươn mình, ngành du lịch đặt mục tiêu sẽ phục hồi hoàn toàn như trước dịch trong năm 2025; duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% mỗi năm, đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp.
Đến năm 2030, du lịch đặt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu đóng góp GDP khi đó là 10-13% và tạo ra hơn 10 triệu việc làm, trong đó có 3,3 triệu việc làm trực tiếp.
Đối diện với các con số mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng chính những “điểm nghẽn” kể trên đã khiến du lịch Việt chưa thể tạo sức bật trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, để tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại, tạo động lực đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững, các chuyên gia đề xuất cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư du lịch; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch.
Du lịch Việt cần tháo gỡ nhiều hạn chế còn tồn tại để tạo động lực phát triển nhanh, bền vững. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
|
Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác công-tư để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch; điều chỉnh Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết dưới Luật cho phù hợp tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý nhà nước góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển…
Đại diện Sở Du lịch thành phố Hà Nội đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số ngành du lịch, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung kết nối với hệ thống của các địa phương; xây định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động chuyển đổi số.
Toàn ngành cũng cần có chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín để xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này; phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch nhằm định vị thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao…/.
Mai Mai
Vietnamplus
|