Thứ Sáu, 31/01/2025 11:32

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn cho thấy sức hút mạnh mẽ với tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2.8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức.

Tiềm năng thị trường lớn, nhưng chưa toàn diện

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng của Việt Nam đạt khoảng 2.8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, các ngân hàng thương mại cung cấp 94% và các công ty tài chính tiêu dùng đóng góp khoảng 4.8% với mức tổng dư nợ là 139,000 tỷ đồng. Dữ liệu cho thấy, tiềm năng phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Mặc dù vậy, có sự mất cân đối khi tín dụng tiêu dùng vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng, còn các công ty tài chính, dù giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp cận nhóm khách hàng thu nhập thấp này, lại gặp không ít khó khăn.

Một phần nguyên nhân là do những vấn đề tiêu cực trong quá khứ. Sự phát triển nóng của tín dụng tiêu dùng đã kéo theo các hình thức cho vay dưới chuẩn và phương thức thu hồi nợ không phù hợp, thậm chí vi phạm quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Điều này dẫn đến hình ảnh của một số công ty tài chính tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề, làm giảm niềm tin của người dân vào loại hình tín dụng này. Hậu quả là dù nhu cầu vay tiêu dùng vẫn rất lớn, sự cảnh giác của người dân đã khiến tỷ trọng dư nợ từ các công ty tài chính tiêu dùng vẫn ở mức thấp.

Sau thời gian chững lại, kinh tế trong năm 2024 có sự hồi phục với tăng trưởng GDP có thể vượt 7%, nhờ sự gia tăng của hoạt động xuất khẩu, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Từ đó, tiêu dùng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng sẽ có sự tăng trưởng trong thời gian tới.

Dữ liệu công bố từ các công ty tài chính tiêu dùng cũng cho thấy đà hồi phục. Theo BCTC quý 3/2024, FE Credit có lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt gần 300 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 2 liên tiếp có lãi trở lại. Kết quả tích cực của FE Credit đi kèm với dự báo tăng trưởng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đạt trung bình 20%/năm trong 5 năm tới, VPBank có thể kỳ vọng lớn hơn vào sự tham gia của cánh tay tài chính tiêu dùng trong cơ cấu doanh thu trung hạn.

Hay như HD SAISON của HDBank tiếp tục phục hồi với dư nợ cuối quý 3 tăng 15% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 906 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, ROE 22.9%.

EVN Finance (EVF) cũng báo lãi trước thuế gần 227 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, cùng chất lượng cho vay cải thiện.

Thuận lợi và thách thức của thị trường năm 2025

Thuận lợi đầu tiên là khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang dần hoàn thiện. Nếu như trước đây chỉ có quy định chung cho tín dụng tại các ngân hàng thì đến ngày 30/12/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Để khắc phục các hạn chế phát sinh liên quan quyền lợi của người vay tiêu dùng trong tiến trình phát triển của hoạt động tổ chức tín dụng, ngày 04/11/2019, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN. Trách nhiệm của công ty tài chính được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch, an toàn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn.

Gần đây nhất, ngày 28/06/2024, NHNN ban hành Thông tư số 12/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không phải bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động cho vay tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sự tham gia của khối ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen. Mục đích là đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, tạo thuận lợi thực sự cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp.

Thuận lợi lớn thứ hai đến từ nền tảng kinh tế và công nghệ. Việt Nam đang bước vào giai đoạn “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ và tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (fintech) mang đến cơ hội cải thiện quy trình, giảm chi phí vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, dù đang trên đà hồi phục, thách thức đối với thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn không nhỏ. Những sai phạm từ các năm trước khiến khách hàng cảnh giác cao độ với tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là từ các công ty tài chính.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đang trên đà hồi phục, tín dụng tăng trưởng chậm ở cả ngân hàng và công ty tài chính; việc mở rộng tín dụng tiêu dùng sang nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc hồ sơ tín dụng yếu tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao.

Sự gia nhập của các nền tảng fintech, cùng với các ngân hàng lớn đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, tạo nên một cuộc cạnh tranh gay gắt, đặc biệt về lãi suất và phí dịch vụ.

Thêm vào đó, đa phần người dân chưa được trang bị đủ kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và hiểu biết về quyền, nghĩa vụ khi tham gia tín dụng, gây rủi ro cho cả khách hàng lẫn công ty tài chính.

Giải pháp phát triển bền vững

Để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững và an toàn, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các tổ chức tài chính, cơ quan quản lý và chính bản thân người dân.

Ông Huy kiến nghị, đầu tiên, NHNN cần ban hành các quy định riêng cho tín dụng tiêu dùng, cụ thể về xét duyệt tín dụng và quy trình thu hồi nợ, đảm bảo minh bạch và tuân thủ pháp luật. Các công ty tài chính cần công khai lãi suất, phí và các điều kiện hợp đồng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và đưa ra quyết định sáng suốt; từ đó mới có thể tạo dựng lại niềm tin trong khách hàng.

Song song đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng như cung cấp các gói tín dụng ưu đãi để giảm áp lực vốn cho các công ty tài chính, từ đó hạ lãi suất cho vay. Khuyến khích sự hợp tác giữa các ngân hàng, công ty tài chính và fintech để tận dụng lợi thế của từng bên, tạo ra hệ sinh thái tín dụng tiêu dùng.

Bản thân các công ty tài chính cũng cần đẩy mạnh các ứng dụng tín dụng online với giao diện thân thiện, minh bạch thông tin và dễ sử dụng; hay như áp dụng AI để đánh giá khả năng trả nợ và xây dựng các mô hình tín dụng thông minh, giảm thiểu rủi ro nợ xấu.

Cuối cùng, vẫn là phải đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân cho người dân. Đưa môn học quản lý tài chính cá nhân vào chương trình giáo dục hoặc các tổ chức tài chính nên phối hợp với trường học và tổ chức xã hội tổ chức những chương trình giáo dục tài chính ngắn hạn, giúp người dân nâng cao kỹ năng quản lý tiền bạc và sử dụng tín dụng hợp lý.

Nhìn chung, tín dụng tiêu dùng không chỉ là động lực thúc đẩy tiêu dùng, mà còn là công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng của thị trường này, Việt Nam cần một chiến lược phát triển toàn diện - từ việc tái xây dựng niềm tin, cải thiện khung pháp lý, đến đầu tư vào giáo dục tài chính cá nhân. Với những bước đi đúng đắn, tín dụng tiêu dùng sẽ không chỉ phát triển bền vững, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung nền kinh tế Việt Nam.

Cát Lam

FILI - 10:30:00 31/01/2025

Các tin tức khác

>   Giá USD tăng 5 tuần liên tiếp (05/01/2025)

>   ACB bác thông tin "lãnh đạo ngân hàng đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài" (04/01/2025)

>   Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về chính sách ngoại hối cho Trung tâm Tài chính quốc tế (04/01/2025)

>   Phá đường dây cho vay lãi nặng 830%/năm ở Lâm Đồng (04/01/2025)

>   KienlongBank bổ nhiệm Tân Phó Tổng Giám đốc (04/01/2025)

>   KienlongBank bổ nhiệm Tân Phó Tổng Giám đốc (04/01/2025)

>   Triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 (04/01/2025)

>   Sức mạnh đồng USD năm 2025: Kỳ vọng hay cơn “ác mộng”? (06/01/2025)

>   SHB thuê máy bay đưa cổ động viên sang Thái Lan tiếp lửa đội tuyển Việt Nam (03/01/2025)

>   Những biến động đáng nhớ trong năm 2024 của thị trường mở (05/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật