Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về chính sách ngoại hối cho Trung tâm Tài chính quốc tế
Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá tác động của chính sách áp dụng với Trung tâm Tài chính quốc tế trong điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối...
Tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sáng 4-1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành trung tâm đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam.
Nếu thành công, Việt Nam sẽ kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy thị trường tài chính hiệu quả; nâng cao vai trò và vị thể, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố về thành lập Trung tâm Tài chính
|
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kinh nghiệm cho thấy sự phát triển vốn cùng với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng là một trong những cấu phần nền tảng để phát triển thị trường tài chính nói chung và trung tâm tài chính nói riêng.
Tuy nhiên, phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ tại các trung tâm tài chính mới nổi là nhiệm vụ khó, phức tạp do có nhiều sự cạnh tranh từ các trung tâm tài chính đã phát triển.
"Cần nhận diện thách thức như sự cạnh trạnh gay gắt của các trung tâm tài chính đã thành lập lâu đời và khẳng định vị thế như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao có hiểu biết về lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ cao đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố về thành lập Trung tâm Tài chính
|
Trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. Thu hút đầu tư nước ngoài phải đi đôi với việc bảo đảm an toàn - an ninh tài chính quốc gia. Do đó, cần có sự phối hợp chính sách chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trong toàn bộ quá trình phân tích, lập và thực thi chính sách.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để triển khai chính sách và lộ trình áp dụng về hoạt động ngoại hối, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng... trong trung tâm tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; hướng tới phát triển trung tâm tài chính vừa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
"Cần phân tích, đánh giá kỹ tác động của các giải pháp chính sách ưu đãi, biện pháp, cách thức quản lý áp dụng đối với trung tâm tài chính đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng; cũng như các cân đối vĩ mô để có cách thức điều hành, quản lý phù hợp nhằm bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia" – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Liên quan cơ chế giám sát bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, tại Thông báo kết luận số 47-TB/TW, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thành lập các cơ quan để quản lý trung tâm tài chính gồm: Cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
|
Thái Phương Phan Anh, Ảnh: Hoàng Triều
Người lao động
|