Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện là một trong những yếu tố nền tảng đảm bảo tăng tốc bứt phá của nền kinh tế và quyết định sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian tới.
Đó là nội dung trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ khi ký chỉ thị số 1 ngày 03/01/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Theo Thủ tướng, mặc dù năm 2024 đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục, phụ tải hệ thống có thời điểm đạt mức kỷ lục hơn 1 tỷ kWh/ngày, song quy hoạch điện còn một số bất cập. Việc triển khai các dự án nguồn điện còn gặp nhiều vướng mắc, nên dự kiến nguồn điện giai đoạn này chỉ đạt 56.7% so với kế hoạch, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt trên 8% và giai đoạn 2026 - 2030 ở mức hai con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1.5 lần, dự kiến mỗi năm cần bổ sung 8,000-10,000MW điện. Đây là thách thức lớn, cần có giải pháp nhanh phát triển nguồn, đặc biệt nguồn điện sạch.
Để chủ động từ sớm từ xa, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào. Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.
Tuyệt đối không để các dự án, công trình ách tắc do việc xử lý chậm trễ các thủ tục hành chính. Trong đó bộ trưởng Bộ Công Thương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thường xuyên theo dõi diễn biến của nhu cầu điện và các yếu tố phát sinh để báo cáo.
Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện 8 phù hợp nhu cầu. Cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, nguồn điện xanh, sạch, bền vững, đồng thời loại bỏ, thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp.
Bộ Công Thương khẩn trương triển khai Luật Điện lực, đưa chính sách vào cuộc sống. Nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, giá điện và giá dịch vụ về điện, cơ chế bảo đảm tiêu thụ khí khai thác trong nước, nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách với các dự án nguồn điện LNG, thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân Ninh Thuận. Đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện.
Có giải pháp tiết kiệm điện, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp lắp, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Các Tập đoàn năng lượng gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đẩy nhanh triển khai các dự án điện; đảm bảo nhiên liệu cung ứng điện...
Chủ tịch UBND các tỉnh triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án điện, các thủ tục liên quan đến đất rừng, đất lúa, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách.
Thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp lắp, sử dụng điện mặt trời mái nhà...
Tùng Phong
FILI
|