Thông tin và thị trường chứng khoán
Thông tin đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của thị trường chứng khoán, khi tác động đến diễn biến của thị trường. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, khi tình hình thế giới đang có những chuyển biến lớn, thông tin lại càng thể hiện sự quan trọng. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của thông tin trên thị trường. Vì thế, hiểu được cách thị trường phản ứng với thông tin sẽ là chìa khóa dẫn tới thành công trong năm tới.
Thông tin và khả năng dự báo
Thị trường chứng khoán vận hành dựa trên nguyên tắc cung – cầu, và thông tin là yếu tố chính tác động đến hành vi cung cầu của nhà đầu tư. Mỗi khi có thông tin mới xuất hiện, nhà đầu tư sẽ đánh giá lại giá trị của các cổ phiếu mà họ đang nắm giữ hoặc muốn đầu tư. Tùy vào mức độ quan trọng và tính chất của thông tin, giá cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm đáng kể.
Ví dụ, một công ty công bố lợi nhuận quý cao hơn kỳ vọng thị trường thường sẽ khiến giá cổ phiếu tăng mạnh, do nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng sinh lời tốt hơn trong tương lai. Ngược lại, nếu công bố thua lỗ hoặc không đạt kỳ vọng, giá cổ phiếu có thể giảm ngay lập tức.
Thông tin có thể được chia thành hai nhóm chính dựa trên khả năng dự đoán gồm (1) Thông tin có thể dự đoán. Đây là những thông tin mà nhà đầu tư có thể đoán trước hoặc dự báo dựa trên dữ liệu hoặc xu hướng hiện tại. Ví dụ như kết quả kinh doanh hàng quý, các chính sách tiền tệ khi đã có tín hiệu rõ ràng từ ngân hàng trung ương. Những thông tin dạng này thường mang tính định kỳ, tức là nhà đầu tư có thể biết trước khi nào thông tin được công bố.
(2) Thông tin bất thường (không thể dự đoán). Đây là những thông tin bất ngờ, không thể báo trước như khủng hoảng chính trị, thảm họa thiên nhiên hoặc sự cố pháp lý đột ngột của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có thể là việc công ty công bố lợi nhuận tốt hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Phản ứng với thông tin có thể dự đoán
Khi thông tin có thể dự đoán, nhà đầu tư thường chuẩn bị trước các kịch bản khác nhau. Giá cổ phiếu có thể đã phản ánh kỳ vọng của thị trường trước khi thông tin chính thức được công bố. Một hiện tượng phổ biến trong trường hợp này là “mua tin đồn, bán sự thật”. Khi thị trường kỳ vọng thông tin sẽ tích cực, giá cổ phiếu tăng mạnh trước khi thông tin được công bố. Tuy nhiên, khi thông tin thực sự khớp với kỳ vọng, giá cổ phiếu lại không tăng thêm hoặc thậm chí giảm nhẹ, vì nhà đầu tư đã chốt lời.
Ví dụ điển hình là báo cáo lợi nhuận của các công ty lớn như Apple hoặc Tesla. Khi nhà phân tích dự báo lợi nhuận của Tesla trong quý sẽ tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu của công ty này có thể tăng trước khi báo cáo được công bố. Sau khi công bố, nếu kết quả đúng như kỳ vọng, giá cổ phiếu có thể không tăng thêm, hoặc thậm chí giảm nhẹ do hiện tượng chốt lời.
Một ví dụ khác là chính sách lãi suất từ Fed. Nếu các tín hiệu tăng lãi suất đã được phát đi từ sớm, thị trường có thể đã phản ánh điều này vào giá. Khi quyết định tăng lãi suất chính thức được đưa ra, thị trường sẽ phản ứng rất ít hoặc không phản ứng.
Vì thế, với các thông tin có thể dự đoán, thị trường sẽ phản ứng không quá mạnh do nhà đầu tư đã có những chuẩn bị các kịch bản trước đó, và phản ánh vào giá từ sớm. Nếu thị trường có sự biến động mạnh, thường là do các thông tin không thể dự đoán/ngoài kỳ vọng.
Thông tin không thể dự đoán
Thông tin không thể dự đoán/ngoài kỳ vọng thường gây ra phản ứng mạnh mẽ và đột ngột trên thị trường. Vì tính bất ngờ, nhà đầu tư không có thời gian chuẩn bị, dẫn đến các hành vi bán tháo hoặc mua vào một cách cảm tính. Thanh khoản thường tăng cao đột biến trong thời gian ngắn và giá cổ phiếu biến động mạnh.
Các dạng thông tin không thể dự đoán có thể được chia thành 2 nhóm gồm (1) Thông tin được công bố định kỳ. Nhà đầu tư thường có kỳ vọng hoặc dự báo trước. Nếu số liệu/kết quả thực tế được công bố có sự chênh lệch lớn với dự báo, sẽ tạo ra phần ngoài dự báo. Phần này được xem là bất thường và được phản ứng vào giá. Ví dụ, nhà đầu tư dự báo Fed có thể cắt giảm lãi suất 0.25% trong kỳ họp lần này, nhưng thực tế Fed lại cắt giảm đến 0.75%. Điều này sẽ gây bất ngờ với thị trường, và thị trường sẽ phản ứng với phần 0.5% lãi suất ngoài kỳ vọng.
(2) Thông tin được công bố bất thường. Nhà đầu tư không có cách nào để dự đoán, nên thị trường sẽ phản ứng nhanh và mạnh. Ví dụ, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản đột ngột, hoặc sự kiện đại dịch COVID-19 năm 2020 khiến thị trường chứng khoán lao dốc trong thời gian ngắn.
Ứng phó với thông tin
Khi hiểu được cách thị trường phản ứng với các nhóm thông tin, nhà đầu tư sẽ có cách nhìn tốt hơn về biến động giá và có phương pháp đầu tư phù hợp.
Đối với thông tin có thể dự đoán, nhà đầu tư cần theo dõi và phân tích các báo cáo định kỳ, dữ liệu kinh tế và chính sách tiền tệ. Từ đó, xây dựng các kịch bản giao dịch phù hợp.
Đối với thông tin không thể dự đoán, nhà đầu tư cần xây dựng danh mục đầu tư đa dạng, phân bổ vào các kênh như cổ phiếu, trái phiếu, vàng và quỹ ETF để phân tán rủi ro. Giữ một phần tiền mặt trong danh mục để tận dụng cơ hội khi thị trường giảm mạnh. Nâng cao khả năng phân tích và ra quyết định để phản ứng nhanh chóng với các thông tin bất thường.
Hiếu Quân
FILI - 12:00:00 28/01/2025
|