Thêm quý thất bại, Ô tô Giải Phóng chưa thể có lãi từ năm 2011
CTCP Ô tô Giải Phóng (UPCoM: GGG) vừa khép lại năm 2024 với thêm một quý thua lỗ, nâng tổng số năm liên tiếp không có lãi lên con số 13.
Dù doanh thu quý 4 đạt hơn 17.2 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ và là mức cao trong nhiều năm, GGG vẫn báo lỗ sau thuế 4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phải bán cắt lỗ hàng tồn kho để thu hồi vốn.
Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao tiếp tục trở thành gánh nặng tài chính. Trong quý cuối năm, khoản này tăng lên 2.3 tỷ đồng, so với 2 tỷ đồng cùng kỳ. Theo giải trình của Công ty, dù đang rất cần vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng GGG không thể vay từ ngân hàng mà buộc phải dựa vào các nguồn vay khác với lãi suất rất cao.
BCTC quý 4/2024 cho thấy khoản vay dài hạn từ ông Nguyễn Hà Đức - cổ đông lớn nắm giữ 8.87% vốn GGG - tăng từ 24.5 tỷ đồng lên gần 33 tỷ đồng trong năm 2024. Ông Đức không chỉ là cổ đông lớn mà còn đóng vai trò Trưởng Ban Kiểm tra tư cách cổ đông tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên của GGG.
Tổng kết năm 2024, GGG ghi nhận doanh thu hơn 22.6 tỷ đồng, gấp gần 10 lần năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Dù doanh thu cải thiện, Công ty vẫn lỗ ròng 18.2 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 15.4 tỷ đồng năm 2023.
Kết quả này chủ yếu đến từ gánh nặng giá vốn cao, do bán rẻ hàng tồn kho và chi phí lãi vay lớn, khiến doanh nghiệp kinh doanh xe tải chưa thể có lãi từ năm 2011. Khoản lỗ ròng tiếp tục khoét sâu, làm vốn chủ sở hữu của GGG âm gần 50 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 344 tỷ đồng và chưa có dấu hiện cải thiện.
Việc bán tháo hàng tồn kho giúp tổng tài sản của GGG giảm hơn 10 tỷ đồng so với đầu năm, chỉ còn khoảng 35 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, khoản phải trả lại tăng mạnh, đặc biệt là các khoản vay dài hạn cá nhân.
GGG chưa thể có lãi trở lại từ năm 2011 |
|
Mục tiêu kinh doanh năm 2024 của GGG, từng được công bố hồi đầu năm, trở nên xa vời so với thực tế. Doanh nghiệp từng đặt kế hoạch doanh thu 1,300 tỷ đồng, trong đó kỳ vọng 1,000 tỷ đồng đến từ mảng bất động sản và 300 tỷ đồng từ kinh doanh ô tô, với sản lượng dự kiến đạt 550 chiếc. Công ty cũng kỳ vọng đạt 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng kết quả kinh doanh 1 năm qua cho thấy những mục tiêu này khá "viễn vông".
Ngoài ra, các khoản nợ Eximbank và nợ cá nhân hơn 22 tỷ đồng từng được kỳ vọng chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu nhằm giảm áp lực tài chính, nhưng đến cuối năm vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Điều này khiến khoản phải trả tiếp tục tăng do phát sinh lãi vay quá hạn, làm trầm trọng thêm tình trạng tài chính vốn đã rất khó khăn.
GGG tiền thân là Công ty Cơ điện Hà Giang được thành lập năm 2001 và từng là một phần của nhóm công ty Long Giang. Doanh nghiệp hiện sở hữu nhà máy ô tô Giải Phóng tại khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, với công suất 5,000 xe/năm. Các sản phẩm chủ yếu gồm xe tải nhẹ, xe chuyên dùng và xe du lịch.
Năm 2023, GGG gặp khó khăn trong việc cấp đăng kiểm mẫu xe tải mới, khiến Công ty phải bán các sản phẩm đã nhập từ năm 2022 cho khách hàng. GGG cũng hợp tác phân phối dòng xe DFSK Glory của Trung Quốc, nhưng kết quả kinh doanh chưa cho thấy sự tích cực.
Mặc dù doanh thu cải thiện đáng kể trong năm 2024, Ô tô Giải Phóng vẫn loay hoay với bài toán thua lỗ triền miên. Hành trình tìm kiếm lợi nhuận sau hơn 1 thập kỷ thua lỗ vẫn còn gian nan, trong bối cảnh áp lực tài chính ngày càng lớn, đặc biệt là thiếu vốn trầm trọng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. “Công ty đã âm vốn chủ sở hữu nên nguồn vốn kinh doanh rất khó khăn. Chủ yếu từ vốn vay và vốn huy động do Ban Tổng Giám đốc và HĐQT vận động”, phía lãnh đạo GGG cho hay trong tờ trình cổ đông năm 2023.
Kế hoạch năm 2024 của GGG trở nên xa vời so với thực tế. Nguồn: GGG
|
Tử Kính
FILI - 09:13:00 17/01/2025
|