Điểm nghẽn tư duy: Liệu dệt may có chỗ đứng trong kinh tế xanh?
Chiều 07/01, tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) nhấn mạnh một vấn đề quan trọng: Ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy để thích ứng với xu thế phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh chụp màn hình
|
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hướng đến các giá trị bền vững, ngành dệt may - vốn bị xem là công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động và gây nhiều tác động môi trường - đang đứng trước câu hỏi: Ngành này có thể đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa và đóng vai trò trong nền kinh tế xanh không?
Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định: "Dệt may không phải là ngành công nghiệp thâm dụng lao động thông thường của 30 năm trước mà chúng ta từng nghĩ. Đây là ngành có tiềm năng công nghệ xanh, hiện đại và bền vững".
Để đạt được điều này, sự thay đổi tư duy là yếu tố tiên quyết. Chỉ khi nhìn nhận đúng vai trò của dệt may trong nền kinh tế xanh và bền vững, Việt Nam mới có thể biến thách thức thành cơ hội, đưa ngành công nghiệp chủ lực này lên tầm cao mới. Đây không chỉ là bài toán cho doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự quy hoạch chiến lược từ cấp độ quốc gia, để xác định vai trò và vị trí của ngành trong bức tranh kinh tế tương lai.
Từ "công nghiệp nhẹ" đến "công nghiệp hiện đại"
Theo ông Trường, sự thay đổi tư duy cần xuất phát từ 3 hướng chính. Đầu tiên, dệt may không còn là ngành công nghiệp thâm dụng lao động đơn thuần, mà đang chuyển mình trở thành ngành công nghiệp hiện đại, giá trị cao. Ngành cần khẳng định vai trò trong nền kinh tế xanh thông qua ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số; tích hợp các yếu tố xanh trong sản xuất, từ thiết kế đến vận hành.
Trong đó, dệt may cần tập trung nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tích hợp chuỗi cung ứng. Với kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD và nhập khẩu 21 tỷ USD, nếu cải thiện chuỗi giá trị nội địa, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 10% về giá trị gia tăng.
Những ngành công nghiệp như dệt may, da giầy, công nghiệp nhẹ nói chung hiện có khoảng 10 triệu lao động, riêng dệt may khoảng 2.6 triệu lao động. Ảnh minh họa
|
Thứ hai, tăng cường quy hoạch ngành. Để ngành dệt may phát triển bền vững, cần có quy hoạch chuyên ngành với quy mô lớn hơn để tích hợp chuỗi cung ứng và giảm chi phí, thay vì phát triển dàn trải trong các khu công nghiệp nhỏ lẻ. Ông Trường lấy ví dụ tại Trung Quốc, một huyện sản xuất vải có kim ngạch xuất khẩu ngang với toàn ngành dệt may Việt Nam.
Cuối cùng, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ. Về chính sách tài chính xanh, cần xây dựng cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, và đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Về hạ tầng logistics, cần giảm chi phí vận chuyển và thủ tục hành chính để tăng tính cạnh tranh.
Xu hướng kinh tế xanh và thách thức cho ngành dệt may
Ông Lê Tiến Trường cho biết kinh tế xanh không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu tất yếu trong thời đại mới, song việc đáp ứng xu hướng sản xuất xanh và tuần hoàn còn nhiều thách thức. Dù thế giới ngày càng chú trọng các sản phẩm tái chế, nhưng sản lượng tiêu thụ thực tế của các sản phẩm này năm 2024 thậm chí còn thấp hơn năm 2023. Điều này cho thấy khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hiện thực.
Tuy nhiên, ông Trường tin tưởng xu thế sản xuất xanh sẽ là hướng đi dài hạn của ngành, dù hiện nay còn nhiều bất cập về quy mô và năng suất. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu tác động đến môi trường, qua đó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới, đặc biệt tại các thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.
Thế Mạnh
FILI - 15:58:00 08/01/2025
|