Samsung giải thể bộ phận phát triển công nghệ đúc chip
Samsung Foundry, bộ phận sản xuất chip theo hợp đồng của Samsung, đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử hoạt động của mình.
Theo nguồn tin từ Phonearena, Samsung đã quyết định giải thể bộ phận phát triển công nghệ xưởng đúc (foundry). Nhân sự từ bộ phận này được điều chuyển sang các đội ngũ tập trung vào quản lý năng suất, sản xuất hàng loạt và thiết kế quy trình. Quyết định này được xem như một nỗ lực của Samsung nhằm cải thiện hiệu suất sản xuất chip 3nm trước khi tiến tới các công nghệ tiên tiến hơn như chip 2nm.
Tình hình tại Samsung Foundry đang ở mức báo động khi tỷ lệ sản xuất thành công chỉ đạt 10%, một con số kỷ lục thấp đối với ngành công nghiệp chip. Trong bối cảnh khủng hoảng, công ty lên kế hoạch cắt giảm 30% lực lượng lao động trước khi kết thúc năm nay.
Trước đó, nguồn tin từ Chosun Daily cho biết Samsung dự kiến thu hẹp quy mô sản xuất tại xưởng đúc xuống còn 50% vào cuối năm nay. Công ty đã đóng cửa hơn 30% dây chuyền sản xuất chip 4nm, 5nm và 7nm tại các nhà máy Pyeongtaek do đơn đặt hàng từ các công ty công nghệ Mỹ và các đối tác không có nhà máy tại Trung Quốc suy giảm.
Giáo sư Lee Jong-hwan từ Đại học Sangmyung nhận định: "Trong khi Samsung dường như ưu tiên chip nhớ, bộ phận xưởng đúc chip đã bị gạt sang một bên", làm dấy lên lo ngại về khoảng cách công nghệ ngày càng lớn giữa Samsung và TSMC.
Thách thức của Samsung không chỉ dừng lại ở đó. Trong cuộc đua phát triển chip AI, đặc biệt là phân khúc chip nhớ băng thông cao (HBM) - thành phần then chốt cho các bộ xử lý AI của Nvidia, Samsung đang tụt lại phía sau đối thủ trong nước SK Hynix. Trong khi SK Hynix đã vươn lên dẫn đầu thị trường HBM và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Nvidia, Samsung vẫn đang loay hoay tìm kiếm sự phê duyệt cho sản phẩm HBM tiên tiến nhất của mình.
Đối mặt với tình thế khó khăn, Samsung đã và đang triển khai các biện pháp quyết liệt. Bên cạnh việc thay đổi lãnh đạo cấp cao tại bộ phận kinh doanh chip, công ty cũng đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nhân sự trên quy mô toàn cầu, bắt đầu từ các thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand.
Thiên Vân (Tổng hợp)
FILI
|