Thứ Tư, 04/12/2024 10:47

Apple tăng gấp 10 lần mức đầu tư vào Indonesia để gỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16

Indonesia cho biết họ đã nhận được đề xuất đầu tư trị giá 1 tỷ USD từ Apple. Đây là nỗ lực của “táo khuyết” nhằm gỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị iPhone 16 tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Chính phủ Indonesia và Apple đã thống nhất con số này như một "giai đoạn đầu" của khoản đầu tư, Bộ trưởng Đầu tư Rosan Roeslani chia sẻ trong ngày 03/12, đồng thời cho biết ông kỳ vọng sẽ nhận được thư cam kết bằng văn bản từ công ty trong vòng 1 tuần.

"Chúng tôi muốn thấy sự công bằng. Các bạn được hưởng lợi ở đây. Các bạn đầu tư ở đây và tạo việc làm", Roeslani nhấn mạnh. Con số 1 tỷ USD này đánh dấu một bước tiến đáng kể so với đề xuất trước đó của Apple - 100 triệu USD, và càng ấn tượng hơn khi so với con số 10 triệu USD ban đầu cho một nhà máy sản xuất phụ kiện tại Bandung.

Indonesia đã cấm Apple bán các thiết bị iPhone 16, với lý do công ty không tuân thủ yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng. Năm 2023, “táo khuyết” cam kết sẽ đầu tư 1.7 ngàn tỷ Rupiah (107 triệu USD) cho các học viện phát triển trên khắp Indonesia nhưng đã thiếu khoảng 10 triệu USD so với cam kết.

Chính phủ Indonesia tỏ ra cứng rắn khi yêu cầu Apple phải đưa ra thỏa thuận tốt hơn so với Việt Nam - nơi công ty đã đầu tư khoảng 15 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất. "Khoản đầu tư của họ phải lớn hơn", Roeslani khẳng định.

Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita, người đứng sau lệnh cấm iPhone 16, đã nêu rõ ưu tiên hàng đầu là đưa Apple mở nhà máy tại địa phương, theo mô hình của Samsung Electronics và Xiaomi. Theo Roeslani, việc sản xuất tại chỗ sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đầu tư và việc làm, đồng thời giúp Indonesia tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Indonesia không xa lạ với chiến lược thương lượng cứng rắn để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và thu hút đầu tư. Họ từng buộc TikTok tách mảng thương mại điện tử để bảo vệ ngành bán lẻ khỏi hàng Trung Quốc giá rẻ. Tương tự, việc cấm xuất khẩu niken thô cũng nhằm thúc đẩy các công ty chế biến khoáng sản và xây dựng nhà máy pin tại địa phương.

Động thái mạnh tay với Apple diễn ra trong bối cảnh Tổng thống mới nhậm chức Prabowo Subianto đặt mục tiêu tham vọng đưa tăng trưởng kinh tế lên 8% trong nhiệm kỳ 5 năm. Con số này càng trở nên thách thức khi GDP quý gần nhất chỉ tăng 4.95%, mức thấp nhất trong một năm qua do sản xuất và tiêu dùng suy giảm.

Đối với Apple, Indonesia là thị trường đầy tiềm năng với dân số trẻ và ngày càng am hiểu công nghệ. Quốc gia có nền kinh tế trị giá 1 ngàn tỷ USD này hiện có hơn 350 triệu điện thoại di động đang hoạt động, vượt xa con số dân số 270 triệu người theo thống kê chính phủ.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Đồng Won có lúc giảm 2.7% vì hỗn loạn chính trị ở Hàn Quốc (04/12/2024)

>   Vàng thế giới tăng nhẹ sau một báo cáo về lao động tại Mỹ (04/12/2024)

>   Dầu tăng hơn 2% trước cuộc họp của OPEC+ (04/12/2024)

>   Hứng 'cú đấm kép', đồng Nhân dân tệ rơi xuống đáy 1 năm (03/12/2024)

>   Vàng thế giới giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp (03/12/2024)

>   Dầu đi ngang khi thị trường cân nhắc về khả năng hạ lãi suất của Fed (03/12/2024)

>   Vàng thế giới có tháng tồi tệ nhất trong hơn 1 năm (30/11/2024)

>   Dầu sụt 3% trong tuần qua khi rủi ro nguồn cung giảm bớt (30/11/2024)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô phát hành trái phiếu chuyển đổi (29/11/2024)

>   OPEC+ trì hoãn quyết định quan trọng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng (29/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật