Thứ Ba, 24/12/2024 11:02

Nền lãi suất thấp ổn định trong năm 2024

Việc Fed giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024 đã tiếp thêm động lực cho các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thêm dư địa duy trì mặt bằng lãi suất thấp, kích cầu tăng trưởng kinh tế.

Fed bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất

Sau 11 lần tăng lãi suất liên tục từ tháng 3/2022 và giữ nguyên mức kỷ lục 5.25-5.5% kể từ tháng 7/2023, đến ngày 18/09/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 0.5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống mức 4.75%-5%.

Kế đó, Fed tiếp tục giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm, đưa phạm vi lãi suất mục tiêu xuống 4.5-4.75% tại cuộc họp chính sách ngày 08/11/2024, khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và thị trường lao động suy yếu. Quyết định giảm lãi suất của Fed lần này đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump giành chiến thắng áp đảo trước Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử ngày 05/11.

Cuộc họp ngày 18/12 vừa qua, Fed tiếp tục hạ 0.25 điểm phần trăm lãi suất, xuống mức 4.25%-4.5%, quay trở lại mức của tháng 12/2022. Đồng thời, Fed báo hiệu sẽ chỉ hạ lãi suất 2 lần trong năm 2025 và dự kiến thực hiện 2 đợt cắt giảm vào năm 2026 và 1 đợt vào năm 2027, với giả định mỗi đợt giảm 0.25 điểm phần trăm.

Theo sau động thái của Fed, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng cắt giảm lãi suất hàng loạt. Riêng với Việt Nam có thể có dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ.

Việc Fed hạ lãi suất giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa USDVND, giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD, đồng thời tạo điều kiện cho NHNN ổn định thị trường ngoại hối. Đây là tín hiệu tích cực, bởi trong môi trường lãi suất USD giảm, áp lực tỷ giá hối đoái sẽ được giảm bớt, tạo điều kiện cho NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp mà vẫn đảm bảo giá trị đồng tiền VND, ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN linh động can thiệp điều tiết khi áp lực tỷ giá tăng cao

Chỉ số USD-Index từ đầu năm 2024 đến nay

Có thể thấy, trong quý đầu năm, áp lực tỷ giá tăng mạnh, đi kèm với nhu cầu vốn trong nền kinh tế còn yếu, dẫn đến dư thừa thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng. Điều này giải thích cho việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm gần như nằm đáy trong suốt tháng 1, dù có bật tăng trở lại trong tháng Tết Nguyên đán và lại về gần đáy trong khoảng 0.11-0.22%/năm vào cuối tháng 3.

Dư thừa thanh khoản, NHNN phải can thiệp bằng nghiệp vụ thị trường mở (OMO). NHNN đã hút ròng qua kênh tín phiếu từ ngày 11/03-01/04 lượng tiền tương đương 171,700 tỷ đồng, với lãi suất bình quân 1.5%/năm và kỳ hạn 28 ngày. Ngay sau đó, NHNN bơm ròng trở lại trong 2 phiên 02-03/04 với quy mô 8,165 tỷ đồng, lãi suất cho vay kỳ hạn 7 ngày là 4%/năm, trước khi quay lại hút ròng.

Song song đó, ngày 19/04, NHNN cũng bán ngoại tệ giao ngay cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua USD từ NHNN với giá 25,450 VND/USD nhằm hạ nhiệt tỷ giá khi USD-Index vượt mốc 106 điểm. Từ 22/4-27/5, NHNN đã bán ra khoảng 4.1 tỷ USD để kiềm chế đà mất giá của tiền đồng, tương đương 105.5 ngìn tỷ đồng.

Theo sau động thái can thiệp từ NHNN, lãi suất liên ngân hàng tăng dần lên. Trong tháng 5/2024, lãi suất kỳ hạn qua đêm bình quân tăng lên quanh 4.3%/năm, kỳ hạn 1-2 tuần dao động quanh 1.5-4.6%/năm, kỳ hạn 1-3 tháng dao động quanh 4.6-5%/năm. Cùng với đó, NHNN cũng nâng lãi suất cho vay ở kênh cầm cố và lãi suất kênh tín phiếu từ 4%/năm lên 4.25%/năm và từ 4.25%/năm lên 4.5%/năm; đưa lãi suất tín phiếu NHNN và cho vay cầm cố trên thị trường mở ngang bằng với lãi suất tái cấp vốn do NHNN ấn định.

Lãi suất liên ngân hàng từ đầu năm 2024 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Trong quý 3, tỷ giá giảm nhờ kỳ vọng vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất, chỉ số USD-Index có lúc về dưới 100 điểm, nhờ đó NHNN có thêm dư địa giảm lãi suất trên thị trường mở và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Từ tháng 10, thanh khoản hệ thống dần căng thẳng trở lại, đỉnh điểm là lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2023. Cụ thể, ngày 4/11, lãi suất cho vay kỳ hạn qua đêm vọt lên 6.08%/năm, kỳ hạn 1 tuần tăng lên 6.12%/năm. Nguyên nhân khiến áp lực thanh khoản tăng cao được cho là do NHNN phát hành tín phiếu và Kho bạc Nhà nước rút hơn 4.5 tỷ USD từ 3 ngân hàng lớn trong quý 3/2024.

NHNN đã sử dụng nghiệp vụ OMO, tín phiếu giúp giảm áp lực thanh khoản; lãi suất liên ngân hàng dù có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao trước áp lực cuối năm. Tính đến ngày 18/12, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm là 2.79%/năm, kỳ hạn 1 tuần ở mức 3.62%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 4.81%/năm, 3 tháng là 5.37%/năm, 6 tháng là 5.74%/năm.

Diễn biến bơm hút ròng nghiệp vụ OMO từ đầu năm 2024 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay

Sáng 11/11, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: thời gian qua, diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế rất phức tạp. Đồng USD biến động mạnh, có giảm vào tháng 9/2024 nhưng sau đó tăng rất mạnh vào tháng 10. Do đó, việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá rất khó khăn, phụ thuộc lớn vào cung - cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa nên thị trường bị tác động bởi tâm lý và kỳ vọng rất nhiều.

Thống đốc cho biết, áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm. Nếu NHNN giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng. Do đó, thời gian qua, NHNN đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo dữ liệu từ NHNN, đến cuối quý 3/2024, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6.23%/năm, giảm 0.86% so với cuối năm 2023.

Song song đó, cuối tháng 11 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tín dụng năm 2024 đối với TCTD. NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

Số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến 13/12/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 12.5% so với đầu năm. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 15% đề ra từ đầu năm, các ngân hàng cần giải ngân thêm 2.5% trong nửa cuối tháng 12 này.

Tốc độ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng cuối năm cũng phần nào tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống và dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Trên thực tế, theo sau hành động can thiệp của NHNN để kiểm soát đà mất giá của VND là lãi suất huy động từ tháng 4 tại các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng trở lại từ vùng đáy.

Tính đến ngày 20/12/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 1.6 - 4.3%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 2.9 - 5.7%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3.7 - 5.8%/năm.

Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tính đến ngày 20/12/2024
Nguồn: Tổng hợp

Lãi suất năm 2025 có đảo chiều?

Ông Nguyễn Quang Huy  CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, năm 2024, lãi suất trên thị trường thế giới và Việt Nam có xu hướng giảm. Fed đã cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm trong năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp và dự kiến sẽ duy trì mức thấp hợp lý trong năm 2025. Điều này giúp kích thích đầu tư, đồng thời tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, có lẽ NHNN cần điều chỉnh lãi suất cho phù hợp. Lãi suất hiện tại của Việt Nam vẫn đang trong xu hướng kiềm chế ở mức thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng phục hồi, có lẽ lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và có thể bị đẩy xuống thấp hơn.

Nhìn về năm 2025, tỷ giá là vấn đề phải ổn định, đồng nghĩa với việc lãi suất phải tương đối phù hợp để VND mất giá, từ đó lãi suất có thể bị đảo ngược tăng trở lại hoặc ít nhất giữ nguyên mức như hiện tại.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TPHCM lại cho rằng, gần cuối năm, các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay tăng mạnh. Nhiều khả năng lãi suất trong thời gian tới đi ngang. Vừa qua, Fed cũng cho thấy không có ý định giảm thêm lãi suất, nên xu hướng Việt Nam có thể là lãi suất sẽ đi ngang, không nhiều dư địa để giảm.

Ông Tim Leelahaphan - Chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng, NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 2/2025. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại. Lạm phát có thể tăng trở lại, bắt đầu từ quý 2/2025 nên dự kiến lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý 2/2025.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Đại lý thanh toán – lựa chọn nào cho các ngân hàng? (20/12/2024)

>   Sacombank tích cực triển khai các giải pháp thanh toán không tiền mặt cho giao thông xanh TPHCM (19/12/2024)

>   SHB đồng hành cùng doanh nghiệp với các giải pháp tài chính tối ưu và chương trình ưu đãi hấp dẫn (19/12/2024)

>   Chỉ số USD cao nhất trong 2 năm, tỉ giá tại Việt Nam biến động ra sao? (19/12/2024)

>   Phó Tổng Giám đốc Vietinbank được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng NHNN Việt Nam (18/12/2024)

>   Đằng sau bức tranh tín dụng tăng cao (18/12/2024)

>   Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp bứt phá kinh doanh cuối năm  (18/12/2024)

>   Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 3): Quy định gia hạn cơ cấu nợ ngân hàng và hỗ trợ tín dụng (23/12/2024)

>   Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 2): Xác thực sinh trắc học và quy định an toàn bảo mật (20/12/2024)

>   Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 1): Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (18/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật