Thứ Sáu, 06/12/2024 16:02

Kinh tế trưởng VinaCapital: Chính sách thuế của Donald Trump không phải rủi ro với Việt Nam

Ông Michael Kokalari – Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng các chính sách thuế có khả năng được áp dụng dưới thời ông Donald Trump sẽ không phải rào cản khó khăn đối với Việt Nam. Năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ có thể đi ngang hoặc giảm, nhưng chủ yếu vì 2024 đã tăng trưởng mạnh.

Đó là những chia sẻ của ông Kokalari tại diễn đàn thường niên lần thứ 7 của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD 7), tổ chức vào sáng ngày 05/12/2024. Trong khuôn khổ bài phát biểu, ông Kokalari đề cập đến 3 vấn đề: việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, bức tranh kinh tế của Việt nam trong năm 2025, và triển vọng về dài hạn.

Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital tại sự kiện

Chính sách thuế của ông Donald Trump không có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - theo Kinh tế trưởng VinaCapital – đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tác động của các chính sách từ Mỹ tới Việt Nam, với đa phần là quan điểm lo ngại. Tuy nhiên, ông Kokalari cho biết trong nhiệm kỳ trước của ông Trump (2016-2020), Việt Nam và Mexico là 2 nước được hưởng lợi lớn nhất. Lần bầu cử này, thách thức có thể nhiều hơn, nhưng cơ bản là không có quá nhiều tác động.

“Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói sẽ đánh thuế 60% với Trung Quốc, trong khi mức áp cho các nước khác là 10-20%. Đó là những con số đầy áp lực, nhưng cũng là cách ông vận động tranh cử. Giả sử như ông thực sự làm được như vậy. Khi mọi quốc gia bị đánh thuế ngang nhau, các khoản đầu tư vẫn sẽ được đổ vào Việt Nam. Chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam đều bị đánh mức thuế ngang nhau, Việt Nam vẫn sẽ là nơi tốt hơn để hút đầu tư” – ông Kokalari khẳng định.

Có một số nguyên nhân đằng sau. Đầu tiên, vị chuyên gia cho biết mục tiêu chính của ông Trump và nước Mỹ nói chung là muốn mang những mảng công việc liên quan đến sản xuất trở về Mỹ. Tuy nhiên, những mảng sản xuất họ muốn đưa về thực chất lại rất phức tạp, như bán dẫn.

“Các sản phẩm đang được tạo ra và sản xuất tại Việt Nam là khối công việc họ sẽ không muốn đưa về Mỹ. Bởi cái họ muốn là chiến lược ‘friendshoring’ (tạm dịch: Chiến lược củng cố quan hệ thân thiết giữa các quốc gia)”.

Friendshoring là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây, được hiểu là các doanh nghiệp đa quốc gia định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh. Kinh tế trưởng VinaCapital định nghĩa đơn giản hơn: nước Mỹ muốn mua hàng hóa từ các đất nước có quan hệ tốt với Mỹ, và Việt Nam nằm trong nhóm này.

Nguyên nhân sâu xa hơn đến từ những năm 2000, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng là lúc công việc sản xuất tại Mỹ giảm mạnh. Nền kinh tế càng tăng, lượng việc làm liên quan đến sản xuất càng rời xa nước Mỹ. Và các chính trị gia muốn mang những công việc này trở lại nước Mỹ.

“Tuy nhiên, đây không phải vấn đề với Việt Nam. Mức lương trung bình tại các nhà máy của Mỹ gấp 10 lần so với Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ không có đủ nhân sự tay nghề cao, trong khi nhóm sản phẩm họ cần mang về lại rất phức tạp và hiện đại” – theo ông Kokalari. “Vì thế, đây sẽ là một quá trình rất dài và rất chậm, không thể nhanh chóng được”.

Cũng theo vị chuyên gia, Việt Nam đang ở vị thế hết sức phù hợp trong bức tranh này. Mảnh đất hình chữ S đáp ứng khả năng sản xuất những sản phẩm mà nếu làm ở Mỹ sẽ rất đắt đỏ. Việt Nam cũng có mối quan hệ tốt với Mỹ, phù hợp với chính sách friendshoring trong bối cảnh Mỹ muốn tách rời sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Tôi có đọc một bài báo từ Nikkei về việc Việt Nam sẽ trải qua 4 năm khó khăn sau khi ông Trump đắc cử. Nhưng như đã nói, Việt Nam thực tế đang có một vị thế tốt, và 4 năm tới sẽ không trắc trở như vậy. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều khoản đầu tư hơn vào Việt Nam trong thời gian tới”.

Xuất khẩu sang Mỹ có thể hạ nhiệt trong năm 2025

Nói về triển vọng 2025, ông Kokalari nhận định các mảng xuất khẩu từ Việt Nam qua Mỹ thực sự đã hỗ trợ tốt cho nền kinh tế trong năm 2024. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng trưởng gần 30% trong năm 2024 vì nhiều nguyên nhân (kinh tế phục hồi hậu COVID-19, chuỗi cung ứng gián đoạn). Ngoài ra, du lịch cũng phát triển rất mạnh. Dù vậy, vẫn còn vết gợn là mức tiêu dùng bình quân đi ngang, chỉ tăng khoảng 2-3% (mức thường thấy ở Việt Nam trong các năm trước là 8-9%).

Tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam
Nguồn: VinaCapital

Với bức tranh như vậy, Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định mảng xuất khẩu sang Mỹ năm 2025 sẽ đi ngang hoặc giảm, chủ yếu do mức nền cao tại 2024 và không phải đến từ Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự thay đổi mạnh. Năm 2024, động lực thúc đẩy kinh tế tại Việt Nam là sản xuất và du lịch. Vị chuyên gia cho rằng năm tới, Chính phủ sẽ đưa ra nhiều công bố, sáng kiến và đẩy mạnh đầu tư công.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025
Nguồn: VinaCapital

“Một mảng tôi kỳ vọng sẽ lật mình là bất động sản. Hiện tại, thị trường đang có sự sôi động nhất định. Vấn đề của thị trường này là tỷ lệ bất động sản còn trống còn thấp, tức nhu cầu vượt trội so với nguồn cung. Việt Nam sẽ cần phải đẩy nhanh quy trình cấp phép hiện nay. Với các chính sách mới dựa trên kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tôi tin tốc độ cấp phép trong năm tới sẽ được cải thiện”.

Về tiềm năng dài hạn, ông Kokalari cho biết hiện tại mảng sản xuất tại Việt Nam đóng góp 25% cho nền kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia “hổ châu Á” như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, tỷ lệ là 30-35% GDP. Như vậy, mức đóng góp của ngành sản xuất vẫn còn dư địa để phát triển.

Khi mảng sản xuất gia tăng, người lao động sẽ có những công việc với mức lương tốt hơn, từ nông trại sang nhà máy. Tầng lớp nghèo có thể trở thành tầng lớp trung lưu, hoặc là một phần trong quá trình đô thị hóa. Thực tế, việc đô thị hóa tại Việt Nam mới chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và các quốc gia khác. 

Một động lực tăng trưởng khác là FDI (vốn đầu tư nước ngoài) đang đổ vào mảng sản xuất. Với vị thế hiện tại, Việt Nam đang có quan hệ tốt cả với Mỹ và Trung Quốc, do đó sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI trong các năm kế tiếp.

Hải Âu

FILI

Các tin tức khác

>   Tiềm năng nào ở GMD, TNG và CSM? (09/12/2024)

>   Nhu cầu phân bón trong nước dự kiến tăng mạnh, VAT phân bón tạo lợi thế cho doanh nghiệp nội (06/12/2024)

>   Góc nhìn 06/12: Hướng tới 1,300 điểm? (05/12/2024)

>   Nhìn lại phiên tăng gần 30 điểm, liệu khởi sắc hay chỉ là một phiên cảm xúc? (05/12/2024)

>   CEO Chứng khoán HSC nói về khả năng cho vay margin khi thanh khoản ảm đạm (05/12/2024)

>   Chứng khoán cuối năm sẽ ra sao? (05/12/2024)

>   Góc nhìn 05/12: Áp lực giảm giá trong ngắn hạn? (04/12/2024)

>   Vietstock LIVE #14: Kinh tế Việt Nam năm 2025 - Cơ hội và thách thức (04/12/2024)

>   Vietstock LIVE #14: Kinh tế Việt Nam năm 2025 - Cơ hội và thách thức (04/12/2024)

>   Góc nhìn 04/12: Giằng co quanh 1,250? (03/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật