Gazprom của Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova từ đầu năm 2025
Căng thẳng về năng lượng giữa Nga và Moldova một lần nữa leo thang khi Gazprom - tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga tuyên bố sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho quốc gia Đông Âu này từ ngày 01/01/2025. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Moldova đang nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tranh chấp này bắt nguồn từ việc Gazprom tuyên bố Moldova còn nợ khoảng 709 triệu USD tiền khí đốt. Công ty Nga cũng bảo lưu quyền chấm dứt hợp đồng với Moldovagaz - nhà khai thác khí đốt chính của Moldova, nơi Gazprom đang nắm cổ phần chi phối. Tuy nhiên, Chính phủ Moldova đã bác bỏ con số này. Thủ tướng Dorin Recean khẳng định khoản nợ thực tế chỉ khoảng 8.6 triệu USD dựa trên kết quả kiểm toán từ các công ty Anh và Na Uy.
Tác động của quyết định này sẽ rất nghiêm trọng khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhà máy điện Kuciurgan - cơ sở sản xuất điện lớn nhất Moldova, nằm ở vùng ly khai Transnistria. Nhà máy này hiện đang cung cấp điện cho phần lớn lãnh thổ Moldova. Điều đáng chú ý là nhà máy này đã được tư nhân hóa vào năm 2004 bởi chính quyền Transnistria và sau đó được bán cho một công ty quốc doanh Nga - một giao dịch mà Chính phủ Moldova không công nhận.
Trước tình hình này, Moldova đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Quốc hội nước này đã phê chuẩn tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng và thành lập một ủy ban đặc biệt để quản lý các rủi ro tiềm ẩn. Chính phủ cũng đã công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng từ ngày 01/01/2025, bao gồm việc giảm 30% chiếu sáng trong các tòa nhà công cộng và thương mại, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng chỉ hoạt động trong giờ thấp điểm.
Tình hình này phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn về mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Moldova.
Moldova, một quốc gia có khoảng 2.5 triệu dân, đã từng hoàn toàn phụ thuộc vào Moscow về khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, kể từ khi Nga xung đột Ukraine vào năm 2022, nước này đã tích cực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và tăng cường quan hệ với phương Tây.
Xu hướng này được thể hiện rõ qua chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu vào tháng 10, cùng với kết quả trưng cầu dân ý ủng hộ việc hội nhập với EU. Nga bị cáo buộc đã can thiệp nhằm phá hoại quá trình chuyển hướng về phương Tây của Moldova, mặc dù Moscow phủ nhận điều này.
Động thái của Gazprom với Moldova gợi nhớ đến việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào năm 2022, khi đó Moscow viện dẫn tranh chấp về thanh toán bằng đồng Ruble. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã mô tả hành động này là "vũ khí hóa" nguồn cung năng lượng, buộc họ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế với giá cao hơn, chủ yếu là khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Qatar.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI - 11:15:28 30/12/2024
|