Dầu giảm trước triển vọng kinh tế yếu kém
Giá dầu giảm vào ngày thứ Năm (19/12), khi các ngân hàng trung ương tại Mỹ, châu Âu và châu Á ra tín hiệu thận trọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ, làm dấy lên lo ngại rằng hoạt động kinh tế yếu kém có thể làm giảm nhu cầu dầu vào năm tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12, hợp đồng dầu Brent lùi 51 xu (tương đương 0.69%) xuống 72.88 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 67 xu (tương đương 0.95%) còn 69.91 USD/thùng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất như dự báo vào ngày thứ Tư (18/12), nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng lạm phát dai dẳng sẽ khiến ngân hàng trung ương thận trọng hơn trong việc hạ lãi suất vào năm tới.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 năm, làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) đã giữ lãi suất không đổi vào ngày thứ Năm, trong khi các quan chức không thống nhất về cách ứng phó với nền kinh tế đang trì trệ với áp lực lạm phát dai dẳng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã giữ nguyên lãi suất cực thấp khi tuyên bố áp thuế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump phủ bóng đen lên nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của quốc gia này.
Hoạt đông kinh tế suy yếu có thể làm trầm trọng thêm sự suy giảm tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm tới. Hợp đồng dầu Brent sụt hơn 5% từ đầu năm đến nay, hướng đến ghi nhận năm giảm thứ 2 liên tiếp, do nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu gây áp lực lớn lên nhu cầu dầu thô.
Các biện pháp chuyển đổi năng lượng cũng đã tác động mạnh đến nhu cầu ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu.
Thị trường dầu được dự báo rộng rãi sẽ trong tình trạng dư cung vào năm tới, với các chuyên gia phân tích JP Morgan dự báo rằng cung sẽ vượt cầu ở mức 1.2 triệu thùng/ngày.
Thị trường dầu nhận được một số hỗ trợ khi dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm 934,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 13/12. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn nhỏ hơn so với dự báo giảm 1.6 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|