Đâu là nền kinh tế hoạt động tốt nhất năm 2024?
Tạp chí The Economist vừa công bố bảng xếp hạng về hiệu quả kinh tế của 37 quốc gia phát triển trong năm 2024, với vị trí dẫn đầu thuộc về Tây Ban Nha - một kết quả đầy bất ngờ đối với quốc gia từng được xem là biểu tượng của khủng hoảng kinh tế châu Âu một thập kỷ trước.
Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên năm tiêu chí then chốt: Tăng trưởng GDP, hiệu quả thị trường chứng khoán, kiểm soát lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và cân đối ngân sách. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức như lãi suất cao kỷ lục, xung đột tại châu Âu và Trung Đông, cùng với các cuộc bầu cử quan trọng, năm 2024 vẫn chứng kiến những kết quả khả quan với GDP toàn cầu tăng 3.2%, theo số liệu từ IMF.
Đáng chú ý, khu vực Địa Trung Hải tiếp tục ghi dấu ấn trong năm thứ ba liên tiếp. Sau Tây Ban Nha là Ireland - quốc gia thu hút nhiều công ty công nghệ, và Đan Mạch - nơi có trụ sở của tập đoàn dược phẩm Novo Nordisk nổi tiếng với thuốc điều trị tiểu đường Ozempic. Hy Lạp và Italy, hai quốc gia từng là biểu tượng của khủng hoảng khu vực đồng Euro, lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và 5.
Xét về tăng trưởng GDP - thước đo quan trọng nhất về sức khỏe nền kinh tế, Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên 3%, được thúc đẩy bởi thị trường lao động vững mạnh và dòng nhập cư tích cực. Ngược lại, các nền kinh tế lớn như Đức và Italy đang vật lộn với giá năng lượng cao và sản xuất trì trệ, trong khi Nhật Bản chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0.2% do du lịch yếu và ngành ôtô gặp khó khăn.
Về thị trường chứng khoán, Mỹ dẫn đầu với mức lợi nhuận ấn tượng 24%, được dẫn dắt bởi đà tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ. Canada cũng ghi nhận kết quả tích cực nhờ sự tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dù đạt mức cao kỷ lục nhưng hiệu suất chung của thị trường chỉ ở mức trung bình.
Lạm phát cơ bản - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - cho thấy bức tranh đa chiều. Tại Anh, áp lực lạm phát vẫn cao do tăng trưởng tiền lương, trong khi Pháp và Thụy Sĩ đã kiểm soát giá cả tốt hơn. Australia đối mặt với thách thức từ giá nhà tăng cao, còn Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vật lộn với lạm phát ở mức cao.
Thị trường lao động năm 2024 tiếp tục thể hiện sức bền đáng ngạc nhiên. Nam Âu đạt được tiến bộ đáng kể khi tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Italy ghi nhận thành tích ấn tượng nhất với tỷ lệ thất nghiệp giảm 1.4% từ đầu năm.
Về cán cân tài chính, Đan Mạch và Bồ Đào Nha nổi bật với thặng dư ngân sách hiếm hoi nhờ kỷ luật tài chính chặt chẽ. Na Uy hưởng lợi từ doanh thu dầu mỏ, trong khi Ireland thu được khoản thuế lớn từ các công ty công nghệ, đặc biệt là vụ truy thu thuế từ Apple. Tuy nhiên, đa số các chính phủ vẫn đang vật lộn với thâm hụt ngân sách, điển hình như Ba Lan với mức thâm hụt vượt 3% GDP do tăng chi tiêu quốc phòng.
Câu chuyện thành công của Tây Ban Nha đặc biệt đáng chú ý. Một thập kỷ trước, đất nước này là điển hình của thất bại kinh tế với Chính phủ và ngân hàng mắc kẹt trong khủng hoảng, thanh niên di cư ồ ạt, và những công trình xây dựng dở dang trở thành di tích của thời kỳ bong bóng. Giờ đây, Tây Ban Nha không chỉ dẫn đầu bảng xếp hạng mà còn đạt tỷ lệ tăng trưởng và việc làm cao hơn cả Mỹ.
Thành công của Tây Ban Nha dựa trên ba yếu tố chính. Thứ nhất là chiến lược tập trung vào ngành dịch vụ thay vì sản xuất. Dù ngành sản xuất chững lại, du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đồng thời xuất khẩu dịch vụ tư vấn và công nghệ tăng từ 5.5% lên 7-8% GDP.
Thứ hai là chính sách mở cửa với lao động nước ngoài. Từ 2019, lực lượng lao động sinh ra ở nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ Latinh, đã tăng thêm 1.2 triệu người. Mặc dù nhiều người làm việc trong các ngành lương thấp, GDP bình quân đầu người vẫn tăng 3% - kết quả tốt hơn so với Anh và Canada dù có mức tăng nhập cư tương đương.
Quan trọng nhất là những cải cách cơ cấu từ sau khủng hoảng tài chính. Ngành ngân hàng được củng cố, thị trường lao động được cải thiện để tạo thuận lợi cho việc đàm phán hợp đồng và khuyến khích tuyển dụng dài hạn. Chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, bao gồm việc bãi bỏ thuế năng lượng Mặt Trời, đã giúp ngành năng lượng xanh bùng nổ.
Tuy vậy, Tây Ban Nha vẫn đối mặt nhiều thách thức. Giá nhà tăng cao do áp lực từ du lịch và nhập cư. Đầu tư và tăng trưởng năng suất cần cải thiện thêm. Chính phủ gặp khó khăn trong việc thông qua các cải cách tiếp theo về giáo dục và dịch vụ, trong khi các quy định phức tạp đang đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.
Bước sang năm 2025, kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức mới. Gần một nửa dân số thế giới đang sống tại các quốc gia tổ chức bầu cử trong năm nay, với nhiều lãnh đạo mới được đánh giá là "khó đoán". Thương mại quốc tế đối mặt rủi ro, nợ chính phủ tăng cao và thị trường chứng khoán ít dung thứ cho sai lầm. Tuy nhiên, ít nhất tại thời điểm này, sự phục hồi của Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy đã trở thành bài học quý giá cho phần còn lại của châu Âu.
Thiên Vân
FILI
|