Một loạt tỉ phú và triệu phú danh tiếng đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Những lựa chọn nhân sự này sẽ có tác động như thế nào?
Nội các của giới siêu giàu
Một tháng sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng bằng những cam kết mang tính dân túy với các cử tri thuộc tầng lớp lao động, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang xây dựng nội các mới của mình với đội ngũ nhân sự bao gồm nhiều tỉ phú, triệu phú, giám đốc điều hành các doanh nghiệp.
Nổi bật nhất trong số này không ai khác là ông Elon Musk, người sẽ giữ vai trò đồng lãnh đạo “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE) - một nhóm cố vấn riêng có nhiệm vụ cắt giảm chi phí và nhân sự. Vị CEO của hãng xe điện Tesla và Công ty hàng không vũ trụ SpaceX, đang là người giàu nhất thế giới, với ước tính giá trị tài sản ròng hơn 346 tỉ đô la Mỹ. Theo Forbes, người sẽ cùng Elon Musk lãnh đạo DOGE - ông Vivek Ramaswamy cũng là một doanh nhân có khối tài sản trị giá 1,1 tỉ đô la.
Nhiều tỉ phú, doanh nhân khác cũng sẽ nắm giữ vị trí lãnh đạo các bộ quan trọng. Người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục - bà Linda McMahon cùng chồng sở hữu khối tài sản ròng trị giá 3 tỉ đô la, trong khi ông Howard Lutnick - người được đề cử vị trí Bộ trưởng Thương mại có giá trị tài sản ít nhất 2,2 tỉ đô la.
Theo Business Insider, ông Scott Bessent - người được ông Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, cũng có khả năng là một tỉ phú mặc dù điều này chưa được Forbes công nhận. Ông Doug Burgum - người dự kiến sẽ giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cũng có giá trị tài sản ròng ít nhất 100 triệu đô la.
Ngoài những cái tên kể trên, ông Trump gần đây đã đề cử ông Warren Stephens, một tỉ phú là CEO trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cho cương vị đại sứ tại Vương quốc Anh; nhà đầu tư, tỉ phú Stephen Feinberg làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; và nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks cho vai trò giám sát lĩnh vực tiền điện tử.
Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Kelly Loeffler - người được cho là giàu nhất trong Quốc hội Mỹ khi còn đương chức, đã được đề cử vào vị trí lãnh đạo Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA), trong khi CEO tỉ phú Jared Isaacman đang được đề cử vào cương vị người đứng đầu Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Tác động của các tỉ phú, doanh nhân tới chính sách
Việc những người Mỹ giàu có, với sự nghiệp kinh doanh thành công đảm nhiệm các chức vụ trong chính phủ không phải là chuyện hiếm. Ở một góc độ nào đó, sự tham gia của những doanh nhân thành đạt, giàu kinh nghiệm và có nhiều mối quan hệ, được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Các tỉ phú và triệu phú hiện đang tham gia vào quá trình chuyển giao và xây dựng chính quyền mới của Mỹ ở mức độ sâu hơn nhiều so với các báo cáo trước đây. Sự tham gia này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến các chính sách của chính phủ về các vấn đề như thuế, thương mại, trí tuệ nhân tạo…
Các nhà lãnh đạo công nghệ ủng hộ ông Trump hiện đang thúc đẩy việc bãi bỏ bớt các quy định hạn chế đối với các ngành của họ và sử dụng sáng tạo hơn các công nghệ của khu vực tư nhân trong chính phủ liên bang, đặc biệt là ngành công nghiệp quốc phòng.
Nhìn chung, nhóm này đang thúc đẩy việc giảm bớt sự kiểm soát đối với các ngành công nghiệp như tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI), hướng tới một Ủy ban Thương mại Liên bang yếu hơn để cho phép thực hiện nhiều giao dịch hơn và tư nhân hóa một số dịch vụ của chính phủ để chính phủ hoạt động hiệu quả hơn.
Hôm 4-12, ông Trump đã đề cử ông David Sacks, cựu Giám đốc điều hành của PayPal, phụ trách vị trí cố vấn về trí tuệ nhân tạo AI và tiền điện tử của Nhà Trắng. Từ chỗ áp đặt quá nhiều quy định được cho là có thể cản trở sự phát triển của các ngành mới như AI và tiền điện tử, Washington giờ đây được dự báo sẽ có chính sách cởi mở hơn.
Theo New York Times, bản thân ông Elon Musk - cố vấn thân cận của ông Trump, cũng đã gọi điện cho một số giám đốc điều hành tại các công ty đại chúng lớn và hỏi xem chính phủ đang cản trở hoạt động kinh doanh của họ như thế nào và ông có thể làm gì để giúp tháo gỡ những khó khăn này.
Những lo ngại về xung đột lợi ích
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng về hiệu quả, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, sự tập trung cao độ những người siêu giàu vào nội các có thể gây ra rủi ro xung đột lợi ích nghiêm trọng và đi ngược lại những cam kết tranh cử mà ông Trump - người cũng là một tỉ phú với khối tài sản ước tính trị giá 5,6 tỉ đô la từng đưa ra.
Ông Noah Bookbinder, Chủ tịch nhóm Giám sát Công dân vì trách nhiệm và đạo đức tại Washington, lo ngại những đề cử nhân sự của ông Trump có thể sẽ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp và giới siêu giàu hơn là những vấn đề của cử tri thuộc tầng lớp lao động. Ông cho biết: “Thật khó để một nội các chủ yếu bao gồm những người Mỹ rất giàu có sẽ hiểu được nhu cầu của người Mỹ bình thường là như thế nào”.
Một số đảng viên Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Josh Hawley, đã bày tỏ lo ngại khi có quá nhiều giám đốc điều hành Phố Wall trong chính phủ.
Phía đảng Dân chủ cũng đã đưa ra những chỉ trích gay gắt. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói với tờ The Washington Post rằng những lựa chọn này cho thấy nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ “là một món quà cho những người giàu có và có nhiều mối quan hệ, trong khi cái giá phải trả là lợi ích của người dân Mỹ bình thường”.
Để hạn chế những xung đột lợi ích, các doanh nhân tham gia vào chính phủ sẽ phải từ bỏ nhiều khoản đầu tư lớn mà họ đang nắm giữ. Hồi năm 2017, ông Steven Mnuchin - khi đó là ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã đồng ý thoái vốn khỏi 43 công ty để tuân thủ các quy định.
Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm điều này kịp thời trong thời gian ngắn sau khi đề cử nhân sự chính thức được công bố. Ông Vincent Viola - một tỉ phú được ông Trump lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, khi đó đã phải rút lui sau khi nhận thấy sẽ rất khó để giải quyết các khoản đầu tư của mình.
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia vào chính phủ đã lựa chọn đặt tài sản của họ vào các quỹ tín thác ẩn danh để xoa dịu những lo ngại về việc họ có thể lạm dụng quyền lực chính trị để làm điều có lợi cho danh mục đầu tư cá nhân. Nhưng các nhóm giám sát hoài nghi rằng ngay cả những biện pháp đó cũng là chưa đủ.
Ngân Diệp (Nguồn: Business Insider, Washington Post, Axios, Forbes, New York Times, The Hill, CNBC)