Vinaland giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC 5 năm liên tiếp
Giai đoạn 2019-2023, các BCTC kiểm toán của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland, UPCoM: VNI) liên tục nhận ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến cổ phiếu VNI nhận “combo” án phạt từ HNX, bị đưa vào diện cảnh báo đến đình chỉ giao dịch.
Cụ thể, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính Kế toán & Kiểm toán phía Nam (AASCS) là đơn vị thực hiện kiểm toán cho VNI. Kể từ năm 2019, VNI liên tục nhận ý kiến ngoại trừ, và các vấn đề gần như được giữ nguyên tới BCTC kiểm toán gần nhất vào năm 2023.
Trong đó, Công ty không thể làm thủ tục xác nhận số dư tiền gửi tại các tài khoản đồng sở hữu, số tiền gần 2.3 tỷ đồng tại 3 ngân hàng Agribank BIDV và VIB; chưa xác nhận đối chiếu công nợ với các khoản vay ngắn hạn (hơn 34 tỷ đồng), vay dài hạn 93 tỷ đồng và lãi vay gần 63 tỷ đồng. Tổ chức kiểm toán không xác định được tính chính xác của các khoản này đến BCTC hợp nhất tại cả 3 báo cáo.
Ngoài ra, Công ty không thể tiến hành thủ tục giải thể hoặc nắm quyền điều hành với công ty con là CTCP Đầu tư TMDV Phước Long, trong khi số liệu công ty con dùng để lập BCTC hợp nhất các năm là từ BCTC 2018 được kiểm toán. Tổng tài sản hơn 10.5 tỷ đồng tại Phước Long và các khoản ghi nhận giữa công ty mẹ - con đều được hợp nhất vào BCTC hợp nhất 2021-2023. Việc lập BCTC không đồng nhất về thời gian được đánh giá là chưa tuân thủ quy định, và AASCS không thể xác định ảnh hưởng của các vấn đến trên BCTC hợp nhất các năm.
Các BCTC này cũng gián tiếp khiến VNI nhận loạt án phạt từ HNX. Nửa đầu năm 2023, VNI bị hạn chế giao dịch do chậm công bố BCTC 2022 quá thời hạn quy định, sau đó bị đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12/2023 do không khắc phục. Vào ngày 05/11/2024, Công ty đã công bố BCTC kiểm toán 2022 và 2023, nhưng dường như thời gian chưa đủ để xem xét đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch. Gần nhất, vào ngày 13/11/2024, cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo do BCTC bị tổ chức kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp (2021, 2022 và 2023), thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.
VNI nói gì?
Mới đây, VNI đã công bố văn bản giải trình về loạt ý kiến ngoại trừ.
Đối với việc xác nhận số dư tiền gửi tại các tài khoản ngân hàng, VNI cho biết không liên hệ được với chủ tài khoản đồng sở hữu để thực hiện các thủ tục giao dịch.
Về vấn đề xác nhận, đối chiếu công nợ, VNI cho hay đã thực hiện thủ tục xác nhận nợ ở tất cả các năm, nhưng không nhận được giấy xác nhận nợ với các chủ nợ cho vay vì không liên lạc được hoặc không phản hồi.
Về việc tiến hành thủ tục giải thể hoặc nắm quyền điều hành với Phước Long, HĐQT VNI đã ban hành nghị quyết HĐQT ngày 25/07/2019 về việc chấm dứt hoạt động, giải thể với Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, ông Trần Bình Long - người đại diện pháp luật của Phước Long không cung cấp được BCTC tự lập và BCTC kiểm toán các năm, nên Công ty đã trích lập dự phòng tổn thất đầu tư với 100% giá trị.
Tình hình kinh doanh thực tế của VNI cũng tương đối ảm đạm. Trong 3 năm gần nhất, doanh thu và lợi nhuận của VNI liên tục đi xuống. Năm 2022, Doanh nghiệp chỉ đạt gần 5.4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với năm trước; lãi ròng hơn 700 triệu đồng, giảm 32%. Sang năm 2023, doanh thu giảm nhẹ còn 5.1 tỷ đồng; lãi ròng chia 3 còn 226 triệu đồng.
Tình hình kinh doanh của VNI từ 2019 |
|
Châu An
FILI
|