Sẽ hoàn thiện các luật về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm theo hướng siết điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trong phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế.
Chất vấn Bộ trưởng Lan, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức nói tình trạng chào bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay tràn lan xuất hiện trên thị trường, tới cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người dân, tiềm tàng ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội. Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp gì khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn
|
Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói thực phẩm, mỹ phẩm xách tay đang được quản lý theo cơ chế hậu kiểm, công bố sản phẩm và kiểm tra hậu mại. Tổ chức cá nhân đưa sản phẩm phải đăng ký kinh doanh và công bố sản phẩm với Bộ Y tế hoặc Sở Y tế. Cơ quan quản lý sẽ xử phạt các tổ chức cá nhân vi phạm căn cứ pháp luật về thương mại, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và quy định xử phạt hành chính sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận còn tình trạng lách luật như bán hàng giả trên website, sàn thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi. "Bộ sẽ hoàn thiện các luật về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm theo hướng siết điều kiện kinh doanh, tăng mức xử phạt".
Trả lời chất vấn đại biểu Tráng A Dương liên quan đến quản lý các phòng khám đa khoa tư nhân sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang hình thức khác để hoạt động, không đáp ứng yêu cầu tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cấp một giấy phép hoạt động duy nhất. Đây là căn cứ để hành nghề và phải đáp ứng được các điều kiện: về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực. Trong đó, các điều kiện về nhân lực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải có số lượng người làm việc toàn thời gian, người hành nghề phải có đăng ký hành nghề và phải đáp ứng các điều kiện như không được hành nghề tại hai cơ sở trong cùng một thời gian.
Bộ trưởng cho biết, nếu người hành nghề đã làm toàn thời gian tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khi cơ sở đó bị đình chỉ, người này không thể làm ngay cho một cơ sở khác, mà phải chấm dứt hợp đồng lao động tại cơ sở vừa mới có vi phạm. Bên cạnh đó, thực tiễn qua nhiều năm vừa qua cho thấy, có một số cơ sở bị đình chỉ thường gắn với lỗi của người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Do vậy, khi vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm, người chịu trách nhiệm chuyên môn chính có thể bị tước giấy phép hành nghề, nên để hoạt động được ngay cũng phải có một thời gian để thực hiện theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu mới được cấp lại giấy phép.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, qua phản ánh của đại biểu, Bộ Y tế ghi nhận và lưu ý trong quá trình triển khai các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là liên quan tới các hành vi vi phạm, cần chú ý tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng.
Nhật Quang
FILI
|