Chuyển đổi xe máy xăng sang điện: Nhiều lợi nhưng chưa tiện!
Theo công bố từ phía nhà sản xuất thì Honda Wave Alpha 110 có mức tiêu thụ nhiên liệu 1.9 lít/100km, với giá xăng RON 95 ước chừng ở khoảng 23,000 đồng/ lít thì sẽ tiêu tốn khoảng 43,700 đồng cho quãng đường 100km. Trong khi với xe máy điện VinFast Feliz S, theo nhà sản xuất, chiếc Evo 200 chạy được quãng đường dài 203km/1 lần sạc đầy pin 3.5 kWh. Căn cứ theo trung bình Evo 200 sẽ tiêu tốn 1.75 kWh/100km + đơn giá sạc xe máy điện tại các trạm của VinFast là 3,355 đồng/kWh thì 1.75 kWh sẽ tốn khoảng 5,870 đồng cho mỗi 100km.
Từ đó, ước chừng các tài xế xe công nghệ nếu một ngày chạy khoảng 50,000 VND tiền xăng thì sẽ chỉ tốn 6,700 VND tiền điện. Nhân cho 30 ngày thì một tháng, tài xế sẽ tiết kiệm được khoảng 1,300,000 VND cho việc chuyển sang xe điện hai bánh.
Cũng là khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM vào năm ngoái cho thấy ngày mỗi tài xế chi bình quân 70,000 đồng tiền xăng cho quãng được di chuyển trên dưới 150km/ngày. Trong khi các tài xế xe điện của công ty xanh SM chỉ mất chưa đến 20,000 đồng cho 2 lần sạc từ 20% đến 100%. Lợi ích chênh lệnh khoảng 50,000 đồng mỗi ngày. Nếu một tháng tài xế công nghệ hoạt động 26-27 ngày thì số tiền tiết kiệm nhiên liệu so với xe xăng khoảng 1,300,000 đồng.
Ngoài ra, nếu chi phí bảo trì, bảo dưỡng của 2 loại xe là như nhau thì riêng xe điện có thể tiết kiệm cho tài xế công nghệ ít nhất 50,000 đồng tiền thay nhớt (100,000 đồng/lần/2 tháng).
Xét về chi phí mà xe xăng không có đó là phí thuê pin hoặc khấu hao pin. Phí thuê pin của Vinfast hiện là 350,000 đồng/tháng. Nếu sử dụng di chuyển nhiều có thể lên đến 400,000 đồng một tháng. Nếu tài xế không thuê pin thì tính khấu hao pin trong 5 năm với chi phí pin khảng 18,000,000 đồng. Mỗi tháng tài xế mất 300,000 đồng tiền khấu hao pin.
Hiện tại tài xế Xanh SM mỗi ngày phải mất thời gian quay về nhà hoặc sạc tại các trạm nghỉ là các quán cơm, quán nước, cao ốc… Ước chi phí tăng thêm khoảng 10,000 đồng/ngày. Tương đương 270k/tháng. Lợi ích ròng của một tài xế công nghệ khi sử dụng xe điện là: (1,300,000 đồng + 50,000 đồng) – (400,000 đồng – 270,000 đồng) = 680,000 đồng/tháng. Với giá xe điện Felixs hiện tại là 24,000.000 đồng/xe, như vậy sau 36 tháng tiết kiệm nhiên liệu từ xe xăng tương đương giá trị 1 chiếc xe điện. Nếu họ tiết kiệm thêm khoảng 320,0000 đồng/tháng thì chỉ trong 18 tháng họ hoàn toàn có thể trả góp cho khoản vay mua xe (giá trị xe 24 triệu đồng trả trước 8 triệu).
Rõ ràng, ngoài mục tiêu cải thiện chất lượng không khí, góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, tái chế và quản lý tài nguyên thì lợi ích kinh tế là điều hiển nhiên ở xe máy điện.
Tuy nhiên, cho đến nay, về các cơ chế pháp lý, việc ưu tiên về chính sách vẫn còn cào bằng. Điển hình là hiện vẫn chưa có chính sách miễn thuế dành cho xe máy điện. Nghị định 57/2020/NĐ-CP, ưu đãi về thuế chủ yếu áp dụng cho ô tô điện chạy pin và các sản phẩm năng lượng tái tạo khác như tấm pin mặt trời. Đối với xe máy điện, các khoản thuế nhập khẩu đối với linh kiện sản xuất và lắp ráp xe điện vẫn được áp dụng như xe máy xăng.
Hay trong Nghị định 10/2022/NĐ-CP, ô tô điện chạy pin được miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm, tuy nhiên, xe máy điện không nằm trong phạm vi áp dụng của chính sách này. Hiện nay, mức lệ phí trước bạ đối với xe máy điện vẫn dao động từ 2% đến 5% giá trị xe, tùy thuộc vào từng địa phương. Tại TP.HCM, mức lệ phí là 5%, gây thêm khó khăn cho tài xế công nghệ khi muốn chuyển đổi phương tiện.
Song, do nhu cầu thực tế và sức cạnh tranh mang tính sống còn, riêng tại TPHCM, vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch cũng như lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch. Một số quận của thành phố cũng đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ đăng ký trực tuyến, giúp đơn giản hóa cho những tài xế công nghệ muốn chuyển đổi sang xe điện theo Thông tư 58 của Bộ Công an.
Hoặc dù chính sách tín dụng ưu đãi từ phía Nhà nước dành riêng cho xe máy điện chưa được quy định rõ ràng, song các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã bắt đầu triển khai các chương trình hợp tác với các hãng xe điện như VinFast để cung cấp các gói vay ưu đãi. Hoặc những đơn vị như FE Credit và VPBank đã triển khai các chương trình trả góp với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để mua xe điện, giúp giảm bớt áp lực tài chính ban đầu cho các tài xế công nghệ.
Bên cạnh những giải pháp chủ động, linh hoạt nói trên thì vẫn tồn tại những khó khăn không dễ giải quyết một sớm một chiều. Trong đó, quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng trạm sạc điện chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa phổ biến tại các khu vực đông dân cư hoặc các tuyến đường chính. Từ đó gây bất tiện cho người sử dụng xe điện, đặc biệt là những người có nhu cầu di chuyển dài hoặc tần suất di chuyển cao như tài xế công nghệ và giao hàng.
Các chính sách về ưu đãi thuế hay hỗ trợ tài chính nói trên vẫn chưa được triển khai rộng, sâu cộng với một phần do nhận thức, thói quen của người tiêu dùng quen với xe máy xăng, khi thông tin về xe máy điện chưa nhiều, chưa đầy đủ nên dẫn tới cuộc chuyển đổi có tính “cách mạng” này vẫn đang khá chậm, chưa như mong muốn.
Vì vậy, rất cần đồng bộ hóa từ các giải pháp chính sách, tài chính cho đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụ thể là miễn thuế nhập khẩu đối với các linh kiện xe điện và pin, hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ trả góp để xe máy điện tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe điện với các ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính khi mua xe điện mới…
Đặc biệt có chiến lược mở rộng mạng lưới trạm sạc điện, ưu tiên các khu vực có nhu cầu cao như các khu trung tâm, khu công nghiệp, các điểm giao thông công cộng, bãi đỗ xe và các trung tâm thương mại… để đảm bảo tính tiện ích khi sử dụng xe máy điện cho người tiêu dùng.
Quốc Học
FILI
|