Reuters: Kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh trong năm 2025
Sự phục hồi bất ngờ, khiến các nhà kinh tế nâng đáng kể dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 kể từ đầu năm, phần lớn là nhờ hiệu suất của nền kinh tế Mỹ.
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Kết quả khảo sát của hãng tin Reuters với khoảng 500 nhà kinh tế cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì tốc độ mạnh mẽ trong năm 2025 khi các ngân hàng trung ương lớn thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vững mạnh.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy gay cấn vào tuần tới có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng khi các quy tắc hiện hành về thương mại có thể được điều chỉnh.
Sự phục hồi bất ngờ, khiến các nhà kinh tế nâng đáng kể dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 kể từ đầu năm, phần lớn là nhờ hiệu suất của nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát cũng đã giảm mạnh, với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn hiện đang kiểm soát áp lực giá cả ở khoảng cách gần hoặc đã đạt được mục tiêu tương ứng.
Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ đạt trung bình 3,1% trong năm nay, tăng mạnh so với mức 2,6% trong cuộc thăm dò hồi tháng 1/2024 và cao hơn so với mức 2,9% đưa ra trong tháng 4/2024.
Theo cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện từ ngày 30/9-30/10, bao gồm 50 nền kinh tế quan trọng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức 3% trong năm 2025.
Mặc dù đầu năm nay có nhiều lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ gặp rắc rối do ảnh hưởng của lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm, nhưng khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tục gây bất ngờ cho các nhà kinh tế và thị trường.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ đạt trung bình 2,6% trong năm nay và 1,9% vào năm 2025.
Nền kinh tế Mỹ không chỉ vượt trội so với tất cả các nước G10 khác mà còn tăng trưởng với tốc độ gần gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế vào đầu năm.
Thị trường chứng khoán của Mỹ đang giao dịch gần mức cao kỷ lục, một phần nhờ dòng tiền chảy vào từ nước ngoài. Các điểm sáng khác gồm có Ấn Độ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và khả năng phục hồi mạnh mẽ của một số nước trong khu vực châu Á.
Nền kinh tế Nhật Bản gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực, cho phép Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) bắt đầu cân nhắc việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chính sách siêu nới lỏng, bao gồm lãi suất cực thấp và mua tài sản quy mô lớn, đã được BoJ duy trì trong thời gian dài để kích thích nền kinh tế.
Việc "thoát ra" khỏi chính sách này có nghĩa là BoJ sẽ dần dần tăng lãi suất và giảm bớt các biện pháp kích thích khác.
Ngay cả nền kinh tế đang gặp khó khăn của Argentina cũng sẽ phục hồi trong năm tới.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã đưa ra các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh mẽ và một gói kích thích tài khóa dự kiến lên tới 1.400 tỷ USD để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% của chính phủ.
Đối với hầu hết các nền kinh tế thế giới có lãi suất đang giảm, cuộc khảo sát nhận thấy rằng lãi suất có nhiều khả năng sẽ giảm xuống thấp hơn thay vì tăng lên, điều này càng củng cố thêm triển vọng toàn cầu vững chắc.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế nhận định cuộc bầu cử Mỹ vẫn là ẩn số. Nếu đắc cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump có kế hoạch áp đặt thuế quan sâu rộng đối với hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, điều mà các nhà kinh tế cho rằng tiềm ẩn rủi ro suy giảm nghiêm trọng.
Trong số các nhà kinh tế Mỹ được khảo sát, 39/42 người, cho biết các chính sách của ông Trump sẽ gây lạm phát hơn so với các chính sách do ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris đề xuất. Cả hai ứng cử viên đều đang đề xuất các chính sách kinh tế sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách vốn đã rất cao của Mỹ./.
Minh Hằng
vietnamplus
|