Nhiều người mất tiền triệu phí nhắn tin ngân hàng
Chỉ vì không để ý thông báo từ ngân hàng về việc thay đổi chính sách thu phí dịch vụ SMS Banking, không ít khách hàng phải “ngậm đắng nuốt cay” trả một khoản tiền lớn.
Ngày 20/11, nhiều khách hàng có tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bức xúc khi nhận được tin nhắn SMS thông báo biến động số dư, với nội dung “Phí dịch vụ BSMS tháng 10/2024” với mức phí phải trả trong tháng 10 cao gấp nhiều lần so với các tháng trước đó.
Chia sẻ trên mạng xã hội, chị Nguyễn Thị H. - chủ một cửa hàng hoa tươi tại Hà Nội - chưa hết bất ngờ: “Ủa ngân hàng BIDV trừ những 1,1 triệu tiền phí BSMS là sao các chị nhờ. Mọi khi hay 9k (9.000 đồng/tháng - PV) mà”...
Tương tự, chị Đỗ Thị V., một người bán hàng online tại Hải Dương, kể rằng chị nhận được tin nhắn trừ 622.000 đồng trong tài khoản mở tại BIDV cũng với nội dung “Phí dịch vụ BSMS tháng 10/2024”. Khoản tiền này khiến chị ngã ngửa, không hiểu vì sao phí dịch vụ của tháng 10 lại tăng vọt.
Trao đổi với phóng viên, đại diện truyền thông của BIDV cho hay, từ tháng 9/2024, qua các phương tiện như website ngân hàng, qua app, tin nhắn và email của khách hàng, BIDV đã có thông báo về chính sách tính phí mới.
“Cùng với đó, BIDV đã hướng dẫn khách hàng nhận thông tin biến động số dư qua app cũng rất tiện lợi, an toàn mà lại không mất phí”, phía BIDV cho hay.
Ngày 15/9, BIDV thông báo tăng phí dịch vụ BSMS từ tháng 10. Ngân hàng này giải thích, việc tăng phí là để phù hợp với lộ trình điều chỉnh phí dịch vụ SMS ngân hàng của các nhà mạng viễn thông và theo thông lệ thị trường.
BIDV thông báo thay đổi cách tính phí dịch vụ BSMS từ 1/10/2024. Ảnh chụp màn hình.
|
Theo đó, từ ngày 1/10, khách hàng phổ thông có phát sinh dưới 15 tin nhắn SMS/thuê bao/tháng sẽ phải trả mức phí cố định 10.000 đồng/tháng.
Khách hàng phổ thông phát sinh từ 15 tin nhắn SMS/thuê bao/tháng sẽ không phải trả mức phí cố định như trên. Thay vào đó, BIDV sẽ tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế với đơn giá 700 đồng/SMS.
Chính sách mới khiến cho những người bán hàng có nhiều giao dịch phát sinh trong tháng như chị H., chị V. nêu trên có thể sẽ phải chịu mức phí hàng tháng lên đến tiền triệu. Để không mất nhiều tiền cho khoản phí này, khách hàng phải thao tác huỷ dịch vụ nhận thông báo biến động số dư bằng cách đăng nhập ứng dụng BIDV SmartBanking, vào mục “Biến động số dư” rồi chọn “Huỷ đăng ký”.
Để theo dõi biến động số dư, khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ gửi tin nhắn miễn phí trên ứng dụng ngân hàng số (tin OTT).
Ngân hàng cho biết chỉ gửi tin nhắn thông báo biến động số dư cho khách hàng với những giao dịch từ 30.000 đồng trở lên.
Không chỉ BIDV, hàng loạt ngân hàng thương mại khác như Vietcombank, ACB, VietinBank, Agribank, Sacombank, VPBank, Nam A Bank, OCB, Eximbank,... cũng thay đổi cách tính phí dịch vụ SMS Banking kể từ đầu năm nay. Hầu hết ngân hàng đều có chung cách tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh.
Theo đó, phí tin nhắn SMS thông báo biến động số dư tiền gửi và tài khoản thanh toán là dịch vụ của bên thứ ba - nhà mạng viễn thông cung cấp và thu tiền. Thời gian qua, ngân hàng chi trả một phần phí này để khuyến khích người dùng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, trước xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng, ngân hàng ngày càng phải bù lỗ nặng hơn cho số phí này.
Ngoài việc thay đổi chính sách tính phí SMS banking để phù hợp với nhu cầu thực tế phát sinh tin nhắn của từng khách hàng, giảm chi phí cước tin nhắn, lý do quan trọng khác là phòng ngừa rủi ro lừa đảo, gian lận, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản của khách hàng.
Trước đó, từ ngày 02/3/2022, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng đã không còn áp dụng chính sách này, việc thay đổi khiến nhiều khách hàng không nắm bắt được và đã để bị phát sinh cước phí biến động số dư tài khoản lên đến hàng triệu đồng.
Tuân Nguyễn
VietNamNet
|