Mở rộng đại án Xuyên Việt Oil liên quan nhiều ngân hàng?
Đây là nội dung được đại diện VKSND TP HCM nhắc tới trong quá trình đối đáp quan điểm của các luật sư bào chữa trong đại án Xuyên Việt Oil.
Chiều 26-11, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil, cùng 14 đồng phạm. Phiên tòa diễn ra với phần đối đáp của đại diện VKSND TP HCM.
Đại diện VKSND TP HCM ghi nhận luật sư bào chữa cho Mai Thị Hồng Hạnh lập luận rằng bị cáo không thuộc đối tượng được coi là thương nhân theo quy định pháp luật. Theo quan điểm này, hành vi vi phạm của bà Hạnh trong quản lý Quỹ Bình ổn giá (BOG) chỉ nên bị xử lý hành chính thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Hạnh là thương nhân, dựa trên các tài liệu pháp lý như giấy phép kinh doanh và lời khai của các bị cáo liên quan.
Cụ thể, Công ty Xuyên Việt Oil - mã số doanh nghiệp 0303830539, tiền thân là Công ty TNHH Xuyên Việt - được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 31-5-2005. Đến năm 2015, bà Mai Thị Hồng Hạnh mua lại cổ phần, đổi tên công ty thành Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, với địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 465-467 Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM nhưng thực tế hoạt động tại số 69-71-73 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán xăng dầu và các sản phẩm liên quan. Vốn điều lệ của công ty tăng từ 50 tỉ đồng năm 2015 lên 3.000 tỉ đồng vào ngày 31-12-2021 (lần đăng ký thay đổi thứ 16).
Bà Mai Thị Hồng Hạnh giữ vai trò là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên và nắm giữ 98% vốn góp. Trong khi đó, Mai Thị Ngọc Trinh, em ruột bà Hạnh, sở hữu 2% vốn góp nhưng chỉ đứng tên hộ. Thực tế, bà Hạnh là chủ sở hữu duy nhất, có toàn quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh, tài sản và tài chính của công ty.
Các bị cáo tại toà
|
Do đó, VKS khẳng định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hạnh là hoàn toàn có cơ sở.
Quan điểm của luật sư cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Hạnh là không thuyết phục, vì hành vi của bị cáo chỉ thuộc phạm vi xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đại diện VKS phản bác rằng theo quy định pháp luật hiện hành, việc xử lý vi phạm phải dựa trên mức độ và hậu quả của hành vi. Đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu, nếu vi phạm nhiều lần có thể bị xử lý bằng hình thức hủy bỏ hợp đồng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra, VKS xác định hành vi vi phạm trong việc trích lập Quỹ BOG của bà Hạnh đã gây thất thoát số tiền 219 tỉ đồng và không có khả năng hoàn trả.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng hình sự để xử lý. Luật pháp cũng nghiêm cấm việc giữ lại những vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý hành chính. Vì vậy, lập luận của luật sư rằng hành vi của bị cáo Hạnh chỉ thuộc phạm vi vi phạm hành chính là không có căn cứ.
Về quan điểm của người bào chữa - cho rằng việc quy kết bị cáo Hạnh gây thất thoát 219 tỷ đồng là không thuyết phục, đại diện VKS đã đưa ra lập luận phản bác.
Theo VKS, số tiền 219 tỉ đồng được xác định là thiệt hại của Quỹ BOG và đã được chính bị cáo Hạnh thừa nhận. Việc bị cáo không yêu cầu kiểm toán lại số liệu này được hiểu là đã chấp nhận tính chính xác của con số thiệt hại nêu trên.
Về thuế bảo vệ môi trường, người bào chữa cho rằng số liệu thiệt hại liên quan khoản thuế này, được xác định hơn 1.200 tỉ đồng, là đúng theo cáo trạng. Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh không yêu cầu kiểm toán lại số liệu thiệt hại mà cơ quan chức năng đã xác định. VKS khẳng định đây là hậu quả thiệt hại có căn cứ trong vụ án.
Ngoài ra, lời khai của bị cáo Hạnh cũng thừa nhận số thiệt hại được nêu trong cáo trạng, phù hợp với kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra và VKSND Tối cao. Bị cáo Hạnh không phản đối số tiền bị quy kết là thiệt hại trong vụ án, đồng thời không đưa ra yêu cầu kiểm toán lại số liệu.
VKS nhấn mạnh rằng trách nhiệm trích lập Quỹ BOG và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế bảo vệ môi trường thuộc về bà Hạnh và việc bị cáo không tuân thủ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong vụ án.
Về quan điểm cho rằng doanh nghiệp được hưởng chính sách giãn thuế theo các văn bản chỉ đạo, VKS khẳng định rằng chính sách này không áp dụng đối với thuế bảo vệ môi trường.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Như Phương, phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, các luật sư đưa ra hai quan điểm chính: vai trò của bà trong vụ án là không đáng kể và không đủ căn cứ để kết luận bị cáo là đồng phạm của bà Hạnh.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai và nhận thức của bị cáo, kiểm sát viên xác định bà Phương biết rõ Quỹ BOG không phải là tài sản của doanh nghiệp, đồng thời số dư quỹ không khớp với số liệu thực tế trong báo cáo. Dù vậy, bị cáo vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Hạnh để khai báo đối phó với cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm Vụ Thị trường trong nước… Bà Phương đã ký các báo cáo sai lệch này gửi đến Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Đại diện VKS cho biết hiện tại, VKSND Tối cao đang phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ các sai phạm tài chính khác, bao gồm những khoản vay liên quan Công ty Xuyên Việt Oil tại một loạt ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Về việc tách ra để giải quyết giai đoạn 2 của vụ án, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, các dấu hiệu sai phạm liên quan khoản vay của Công ty Việt Oil tại một số ngân hàng vẫn chưa được các cơ quan chuyên môn kết luận về định giá tài sản.
Vì vậy, vào ngày 30-8-2024, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tách riêng hành vi và tài liệu liên quan vấn đề này để tiếp tục điều tra, làm rõ, theo Thông báo thụ lý và phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm số 3869.
|
Trần Thái
Người lao động
|