Bài này đặt câu hỏi chính là tại sao Việt Nam lại muốn trở thành trung tâm của kỹ thuật chuỗi khối và lý do cho việc đặt câu hỏi.
Tại sao lại đặt vấn đề?
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) dùng làm gì và tại sao Việt Nam lại đặt nặng vấn đề công nghệ chuỗi khối ở Việt Nam. Công nghệ chuỗi khối chính là công nghệ dùng để ghi (chứa) và cập nhật trong sổ cái (ledger) tất cả thông tin về các giao dịch (transaction) của một tài sản nào đó (có thể là tiền số, chứng chỉ sở hữu tài sản nhà, bằng lái xe hay thông tin). Hệ thống này có khả năng xác minh tính trung thực của mã địa chỉ từng túi thông tin, thông tin chứa trong túi, tính khả thi của từng trao đổi nếu là tiền số (như có đủ tiền không). Xác minh không được làm tập trung, mà làm phân tán ở khối, ở địa chỉ liên quan, rồi cuối cùng ở địa chỉ chứa sổ cái. Một khối ghi một số trao đổi mới nhất trong một thời gian nhất định, và đóng lại với mã thời gian sau khi được kiểm định. Toàn bộ các giao dịch, có thể xuyên biên giới, nhanh chóng, không qua trung gian, được máy kiểm chứng, được ghi trong sổ cái, nhưng chính vì thế mà người thứ ba (như chính phủ hay bất cứ ai) không thể biết được chủ sở hữu thật của các trao đổi và số chung kết về tài sản của một túi tiền là ai và ở đâu.
Tiền số với công nghệ chuỗi khối
Tại sao kỹ thuật chuỗi khối lại được nói tới nhiều như hiện nay? Đó là vì kỹ thuật này được dùng để tạo ra tiền số như bitcoin, cho phép trao đổi trực tiếp giữa một chủ sở hữu và đối tác, tránh sự nhòm ngó của bất cứ ai, mà cơ bản là chính quyền không biết người sở hữu thực là ai (có nghĩa là có địa chỉ thực để bị đánh thuế hay xem xét tính hợp pháp) và mục đích trao đổi của họ là gì. Do đó, cơ bản bitcoin dùng để đầu cơ là chính và sau đó có thể là buôn lậu và tài trợ các hoạt động bất chính khác, xuyên biên giới quốc gia.
Bitcoin do một cá nhân tạo ra, người đó cho đến nay cũng không biết rõ là ai, nhưng với tên là Satoshi Nakamoto. Ông ta hay nhóm của ông ta tạo ra bitcoin vào năm 2009, và lúc đầu tự quyết định số lượng ban đầu 1 triệu bitcoin và phần mềm ông ta tạo ra hạn chế tổng số lượng là 21 triệu bitcoin. Tổng số 18,780 triệu bitcoin đã được tạo thêm ra, số này có giá trị trên thị trường lúc viết bài này là 1.500 tỉ đô la Mỹ.
Các loại tiền số khác như ethereum, trước đây không hạn chế số lượng, nhưng từ tháng 8-2021 những người đào mỏ đã đạt đồng thuận đốt tiền (burn) bằng cách các máy đào mỏ sau khi nhận thưởng gửi tới “trạm đốt” để giảm một tỷ lệ nhất định. Cách này (lạ là mang tính tự nguyện) nhằm hạn chế số lượng, để giữ hay làm tăng giá đồng ethereum. Ngoài việc đốt, phần mềm thiết kế mới đưa vào cũng tăng phí trao đổi khi lượng trao đổi trên mạng vượt 50% khả năng của mạng. Đây cũng giống cách các ngân hàng trung ương sử dụng để giảm lạm phát, tức là giảm lượng tiền tệ và tăng phí trao đổi (lãi suất). Tuy nhiên, giá đồng bạc ảo chủ yếu hiện nay tùy thuộc hoàn toàn vào lượng cầu của những người sẵn sàng mua để đầu cơ và trốn tránh sự kiểm soát và đánh thuế của chính quyền.
Khó biết có bao nhiêu loại tiền số đã từng ra đời, vì đó là một thị trường không kiểm soát; có nguồn thông tin nói hàng triệu, có nơi nói trên 13.000, tuy nhiên hiện nay có khoảng 10.000 loại tiền số khác nhau còn sống sót và đang được mua bán trên thị trường, trong số này, có 430 loại có giá trị trên thị trường thế giới từ 100 triệu đô la trở lên.
Tiền số cơ bản không bị cấm ở nhiều nước và các trao đổi về nguyên tắc bị đánh thuế như các trao đổi thương mại khác. Hiện nay, nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Pháp... cho phép và coi nó như tài sản và phải chịu thuế.
Tuy nhiên, thực tế là nhà nước chỉ có thể đánh thuế được các trao đổi cũng như lợi nhuận tạo ra do thay đổi giá (capital gain) nếu tiền số được chuyển thành tiền mặt ở trong nước, chứ khó mà thu thuế nếu như thực hiện ở nước ngoài. Không thể nghĩ rằng tiền số có thể thay thế tiền quốc gia.
Giả thiết nếu có tiền số quốc gia thì công nghệ chuỗi khối không phải là tạo ra nó mà là giúp vận hành việc trao đổi. Không rõ các ngân hàng trung ương đang nghĩ gì nhưng có thể đồng tiền số quốc gia là một mã tiền quốc gia (national token) được ngân hàng trung ương bảo chứng và chính phủ có quyền giảm hoặc tăng lượng cung cũng như phí trao đổi (lãi suất). Và nếu nó chứa trong túi tiền, thì mọi sở hữu chủ túi tiền số phải có địa chỉ cá nhân cụ thể, được kiểm chứng rõ ràng, và chịu thuế tùy theo trao đổi và tất nhiên có thể được cho vay với lãi suất rõ ràng. Mã tiền quốc gia có thể trao đổi giữa các ngân hàng thương mại, và ngân hàng trung ương, trên cơ sở chuỗi khối, thay vì tập trung như hiện nay. Giả thiết tiền số quốc gia khó xảy ra trong giai đoạn trước mắt vì chi phí điều hành đắt, như kinh nghiệm trao đổi chuỗi khối không phải tiền cho thấy, nhất là việc dùng quá nhiều điện để kiểm kê trao đổi trong chuỗi khối, và việc điều chỉnh lượng tiền bằng phần mềm không đủ nhanh chóng khi cần áp dụng chính sách tiền tệ cần thiết.
Công nghệ chuỗi khối và tài sản không phải là tiền
Mục đích của công nghệ chuỗi khối không tạo tiền chỉ nhằm trao đổi các tài sản không phải là tiền, và lưu giữ thông tin, bảo đảm thông tin không bị thay đổi, bằng một mã tóm tắt nội dung (hash value). Công nghệ chuỗi khối loại này chưa thấy thành công vì vài vấn đề: lấy chi phí số gì để chi trả cho dịch vụ đào mỏ nhằm xác minh trao đổi, nên phải có túi tiền mua từ ngoài và chuyển vào chuỗi khối? Nếu là dùng nội bộ, để kiểm soát chuỗi cung ứng vật tư và sản phẩm trong một công ty, một ngân hàng, hay một vài doanh nghiệp làm ăn thường xuyên với nhau thì chuỗi khối phân tán chưa chắc đã hiệu quả hơn hệ thống kiểm tra tập trung vì trong chuỗi cung ứng có rất ít túi, chứ không như tiền ảo có hàng triệu túi tham gia.
Giới chuyên môn cũng đã chỉ ra 16 khuyểt điểm của công nghệ chuỗi khối, quan trọng nhất là dùng quá nhiều điện, với nhiều người tham gia thì rất chậm, khó tổng hợp với các chuỗi khối khác và nếu được thì rất tốn kém và mất thời gian, lại cần chuyên gia điều hành nên càng thêm tốn kém.
Mục đích của chiến lược phát triển công nghệ chuỗi khối ở Việt Nam
Theo báo Vietnam.vn của Thông Tấn Xã Việt Nam: “Ngày 22-10 -2024 Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Quyết định 1236/QĐ-TTg, công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu ba trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; có đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á”.
Nội dung quyết định trên chưa cho thấy rõ mục tiêu của công nghệ khối chuỗi, nhất là về vấn đề tiền số. Và nếu là tiền số kiểu bitcoin thì đây là điều đáng lo ngại.
Tiền số hiện nay đang được sử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam, theo báo VietnamPlus.vn đưa tin, đã có 120 tỉ đô la tiền số dùng trong trao đổi là của người Việt Nam.
Điều lo ngại đầu tiên là không biết việc dùng tiền số này có liên quan tới hoạt động phi pháp nào không, nhất là về vấn đề rửa tiền?
Một điều đáng lo ngại nữa là việc đào tiền số tốn rất nhiều điện. Một giao dịch bitcoin tiêu thụ khoảng 1.224 kWh điện. Phải chăng nhiều công ty chuỗi khối muốn vào Việt Nam vì giá điện ở Việt Nam rẻ hơn nhiều nước khác.