Đường sắt cao tốc: Bàn làm, không bàn lùi
Chiều muộn 4/11, sau khi hết giờ họp Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế đã họp phiên toàn thể lần thứ 20, thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo tường thuật của báo chí, khi gợi ý thảo luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nói, kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy, các dự án đường sắt mang lại hiệu quả chung cho nền kinh tế, tuy nhiên hầu hết các tuyến đường sắt cao tốc vận hành ở dải tốc độ 320 - 350/km đều thua lỗ vận hành.
Có đại biểu cho rằng dứt khoát không tính chuyện có lãi trong dự án này. Có đại biểu gợi ý, dự án đầu tư chủ yếu từ ngân sách, mà ngân sách đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia khác, nên phải có phương án dự phòng để quyết làm là làm “đến nơi đến chốn”.
Báo chí tường thuật, phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư, tốc độ và quy mô. Dự án cần nguồn vốn rất khổng lồ, đề nghị làm rõ khả năng đáp ứng nguồn vốn và an toàn nợ công.
Nguồn vốn cho dự án này vẫn là điều băn khoăn nhất của các vị đại biểu khóa XV, như các vị đại biểu Khóa X từng băn khoăn khi xem xét dự án này cách đây 14 năm. Ảnh: Hoàng Hà
|
Các ý kiến tại phiên họp đều tán thành sự cần thiết đầu tư dự án dù còn băn khoăn từ tên gọi, hướng tuyến và đặc biệt là nguồn vốn tổng mức đầu tư.
Những thảo luận ở Ủy ban Kinh tế diễn ra trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chiều tối 6/11, trước khi trình Quốc hội.
Như vậy, nguồn vốn cho dự án này vẫn là điều băn khoăn nhất của các vị đại biểu khóa XV, như các vị đại biểu Khóa X từng băn khoăn khi xem xét dự án này cách đây 14 năm.
Năm 2010, chiều ngày 19/6, Quốc hội đã bỏ phiếu về chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình. Kết quả 37% số đại biểu tán thành, 41% không tán thành.
Thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án khoảng 56 tỷ USD, trong khi đó GDP của nước ta mới chỉ vào khoảng 105 tỷ USD. Lần bỏ phiếu đó là vô tiền khoáng hậu ở Quốc hội nước ta, sau khi có rất nhiều tranh luận.
Theo hồi tưởng của ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chủ yếu quan tâm đến việc nền kinh tế có đủ nguồn lực để đầu tư đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư là 56 tỷ USD lớn nhất từ trước tới thời điểm đấy, có hiệu quả hay không, giá vé cao như vậy thì sẽ phục vụ ai?
Trong quá trình xem xét, thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn tôn trọng, chú ý lắng nghe các ý kiến phát biểu, 3 lần thăm dò ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Phúc nhớ lại, đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết không tán thành chủ trương đầu tư dự án này vào thời gian trên và yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và có đầy đủ luận chứng thuyết phục. Dư luận chung lúc đó đồng tình với quyết định của Quốc hội và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành dân chủ, cẩn trọng của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội.
Khi trao đổi với người viết bài này gần đây, một số thành viên chính phủ thời kỳ đó tỏ ra tiếc nuối, lẽ ra Chính phủ nhiệm kỳ đó nên trình ra Quốc hội các dự án nhỏ, chẳng hạn Hà Nội – Nghệ An, hay TP Hồ Chí Minh – Nha Trang để Quốc hội dễ thông qua, thay vì dự án toàn tuyến Bắc Nam. Nếu bắt tay làm các tuyến từ hồi đó, thì hiện nay Việt Nam đã có thể xây xong toàn tuyến.
Sau khi dự án không được thông qua, cả nước đã phát triển mới hay hoàn thiện tới 4 tuyến đường bộ Bắc Nam để tháo gỡ. Đó là, hệ thống đường ven biển dài khoảng hơn 3.000 km từ Móng Cái, Quảng Ninh đến thị xã Hà Tiên, Kiên Giang; nâng cấp Quốc lộ 1A là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam dài 2.482 km; hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam dài hơn 2.000 km dọc đất nước; đường Hồ Chí Minh dài hơn 3.000 km.
Biết bao nguồn lực đã được dành để xây dựng các tuyến đường này.
Dự án đường sắt tốc độ cao được trình ra Quốc hội ngày nay đã khác xa so với lần trước vì quyết tâm, đồng thuận chính trị là rất lớn.
Xin trích kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư dự án: đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Với chủ trương này, dự án hứa hẹn sẽ gặp hanh thông khi được đưa ra xem xét ở Quốc hội tới đây bởi nếu không kết nối với các tuyến đường quốc tế, Việt Nam có thể bị gạt ra lề của cuộc chơi khu vực, toàn cầu.
Tất nhiên, sẽ có nhiều câu hỏi cần được giải đáp: Công nghệ thế nào? Tiền đâu ra để bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỷ USD mỗi năm ?
Làm sau thu hút đầu tư tư nhân trong nước, khi dự án này là dự án 100% vốn đầu tư công?
Khi dự án đưa vào vận hành thì tiền đâu để vận hành, bảo dưỡng khi dự án chưa thể có lãi như tuyệt đại đa số các tuyến đường sắt cao tốc hiện nay?
Theo tinh thần “Bàn làm chứ không bàn lùi”, chắc chắn sẽ không bàn lùi nữa, nhưng dứt khoát phải bàn “Làm như thế nào?” trước trách nhiệm lịch sử và trước tương lai của quốc gia.
Tư Giang
VietNamNet
|