Việc doanh nghiệp sáp nhập vào một doanh nghiệp khác như một cách mở rộng thị phần và gia tăng sức cạnh tranh thời nay rất phổ biến nhưng quá trình sáp nhập nhiều khi không được suôn sẻ. Ví dụ khi một trong hai doanh nghiệp đang trong quá trình tố tụng. Khi đó, doanh nghiệp có thể gặp phải những rủi ro nào và nên hành động ra sao?
Theo quy định tại khoản 1 điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, sáp nhập được hiểu là việc một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời công ty bị sáp nhập cũng chấm dứt sự tồn tại. Từ đây, dẫn đến công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa những quyền và nghĩa vụ pháp lý, trong đó bao gồm cả việc tham gia hoạt động tố tụng của công ty bị sáp nhập.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 cũng quy định trường hợp đương sự là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, sáp nhập trong quá trình tham gia tố tụng thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó sẽ kế thừa việc tố tụng. Hay nói cách khác, cho dù doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động sau khi bị sáp nhập thì các vụ việc dân sự liên quan đến doanh nghiệp này vẫn tiếp diễn nơi doanh nghiệp nhận sáp nhập.
Những rủi ro tiềm ẩn
Hiện nay, pháp luật chưa hướng dẫn cụ thể thủ tục tố tụng mà doanh nghiệp phải thực hiện khi sáp nhập vào doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc thay đổi chủ thể pháp lý và quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình tham gia tố tụng có thể dẫn đến rủi ro bản án bị tuyên hủy nếu họ không thực hiện những thủ tục nhất định, đơn cử như vụ việc dưới đây.
Vào ngày 18-4-2013, công ty T và công ty M ký Hợp đồng mua bán sắn lát số 07/HĐKT-2013 (Hợp đồng 07). Theo đó, công ty M bán cho công ty T 2.649 tấn sắn lát khô với giá là 12 tỉ đồng. T đã thanh toán (đặt cọc) cho M số tiền 1.711.797.925 đồng và hẹn đến ngày 26-4-2013 sẽ thanh toán số tiền còn lại nhưng T đã lỡ hẹn. Sau đó, vào ngày 15-6-2013, hai bên đã thống nhất rằng, T sẽ dùng tài sản của mình hoặc bên thứ 3 để làm bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ và T phải trả số tiền còn lại muộn nhất vào ngày 30-8-2013. Đến hạn, T vẫn không thanh toán nên M đã khởi kiện, yêu cầu T trả cho M số sắn lát nói trên hoặc phải thanh toán cho M số tiền 19,88 tỉ đồng (bao gồm tiền hàng và các khoản phạt, bồi thường khác).
Sáp nhập được hiểu là việc một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời công ty bị sáp nhập cũng chấm dứt sự tồn tại.
|
Ngày 22-7-2020, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2020/KDTM-ST (Bản án sơ thẩm), Tòa án Nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định đã ra quyết định: (i) Buộc công ty T có nghĩa vụ trả cho công ty M số tiền 12,96 tỉ đồng; (ii) Số tiền đặt cọc 1.711.797.925 đồng của công ty T sẽ thuộc về công ty M; và (iii) công ty M có nghĩa vụ giao trả lại các tài liệu về tài sản thế chấp cho công ty T.
Ngày 6-8-2020, phía công ty T đã có đơn kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng hủy Bản án sơ thẩm vì tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do không đánh giá, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Điểm đáng chú ý của vụ việc trên là theo Nghị quyết số 13253/NQ-PVB ngày 26-9-2019, Hội đồng quản trị Ngân hàng T đã đồng ý phê duyệt việc sáp nhập công ty M vào công ty P theo phương thức chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang cho công ty P, đồng thời công ty M đã chấm dứt sự tồn tại.
Như đã nói ở trên, căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, công ty P sẽ là đơn vị tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của công ty M tham gia tố tụng trong vụ án, dẫn đến sự thay đổi về người khởi kiện. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm đã không yêu cầu công ty P thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật, công ty M cũng không thực hiện các nội dung nêu trên. Do đó, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, gây khó khăn cho công tác thi hành án bản án sau này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm xét xử lại.
Như vậy, về bản chất, sau khi hoàn thành việc sáp nhập thì doanh nghiệp bị sáp nhập đã không còn tồn tại và cũng không còn đủ năng lực chủ thể có thể tiếp tục thực hiện việc tham gia tố tụng. Do đó, cần phải có một chủ thể khác đại diện và kế thừa các quyền và nghĩa vụ này, nếu không vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết sau thời hạn nhất định. Đồng thời, việc chấm dứt sự tồn tại và thay thế một chủ thể khác có nghĩa là đã có sự thay đổi về người khởi kiện, từ đó đặt ra các vấn đề về thay đổi nội dung đơn khởi kiện và các văn bản khác có liên quan, bởi pháp luật hiện hành yêu cầu cá nhân, tổ chức phải điền đầy đủ, chính xác tên, địa chỉ và các thông tin khác của họ khi tiến hành khởi kiện.
Vì vậy, khi có sự thay đổi thì doanh nghiệp phải cung cấp lại thông tin và cơ quan có thẩm quyền phải có sự điều chỉnh kịp thời tài liệu và thủ tục tố tụng.
Doanh nghiệp cần làm gì khi bị sáp nhập trong quá trình tố tụng?
Có thể nhận thấy rằng, bên cạnh các thủ tục liên quan đến pháp luật doanh nghiệp, các doanh nghiệp tham gia sáp nhập còn cần phải lưu ý vấn đề về thủ tục tố tụng khi đang trong quá trình kiện tụng, tránh trường hợp bản án bị tuyên hủy như trên. Một trong những lưu ý quan trọng nhất là doanh nghiệp cần phải thông báo ngay cho tòa án và các bên liên quan về việc sáp nhập, bao gồm cả việc cung cấp các tài liệu pháp lý chứng minh cũng như thay đổi về tư cách pháp nhân của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải gửi đơn đề nghị thay đổi thông tin người khởi kiện đến tòa án, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp nhận sáp nhập, trình bày rõ lý do thay đổi và phối hợp thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung thông tin của đương sự theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của tòa án. Khi tư cách chủ thể trong quá trình tố tụng có sự thay đổi, tòa án sẽ xem xét để ra quyết định tiếp tục đưa vụ án ra xét xử với bên kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Ngoài ra, doanh nghiệp bị sáp nhập cũng cần bảo đảm tính liên tục trong quá trình tố tụng bằng cách chuyển giao quyền, nghĩa vụ tố tụng một cách nhanh chóng và kịp thời. Bởi như đã phân tích ở trên, nếu sau một khoảng thời gian nhất định mà chưa có chủ thể khác kế thừa và thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của doanh nghiệp bị sáp nhập thì vụ án có thể bị đình chỉ và hủy giải quyết.
Nói tóm lại, việc sáp nhập doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu pháp lý đòi hỏi doanh nghiệp bị/nhận sáp nhập phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh sự gián đoạn trong quá trình tố tụng hoặc thậm chí dẫn đến bản án bị tuyên hủy. Trong đó, quan trọng hơn hết là các doanh nghiệp nhận sáp nhập cần phải chủ động thông báo cho các bên liên quan và thực hiện việc thay đổi nội dung người khởi kiện sau khi bị sáp nhập. Việc thực hiện kịp thời và nghiêm túc những thủ tục trên có thể giúp doanh nghiệp tránh khỏi rủi ro trong quá trình tham gia tố tụng kéo dài của mình.
LS. Nguyễn Văn Phúc - Chu Lê Quỳnh Ngân (Công ty Luật TNHH HM&P)