Chủ Nhật, 03/11/2024 09:15

Doanh nghiệp Đông Nam Bộ tự phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất

Nhờ sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tiết kiệm chi phí điện năng và góp phần tạo nên một môi trường xanh, bền vững hơn.

Điện mặt trời mái nhà gắn trên nhà xưởng tại địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, trước yêu cầu về tiết kiệm điện và xanh hóa sản xuất, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã tự phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất.

Giải pháp này vừa mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp, vừa góp phần giảm áp lực cung ứng điện theo chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo các chuyên gia, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng năng lượng tiết kiệm là giải pháp ưu tiên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu “kép” là năng lượng xanh và giảm phát thải.

Hiện tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương tiên phong trong lĩnh vực này nhằm phát triển theo hướng thông minh, bền vững. Tổng công ty Becamex IDC cùng các đối tác VSIP và Tập đoàn Sembcorp, Singapore triển khai Dự án điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP).

Các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại đây dự kiến sẽ cung cấp năng lượng tái tạo và giảm lượng khí carbon thải ra. Nhờ sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tiết kiệm chi phí điện năng và góp phần tạo nên một môi trường xanh, bền vững hơn.

Thực tế, Becamex IDC vừa triển khai dự án hợp tác chuyển đổi năng lượng sạch giữa Trường Đại học Quốc tế Miền Đông với Q-Energy (Vương quốc Anh). Dự án sẽ là một minh chứng lớn cho việc Becamex IDC nói riêng và tỉnh Bình Dương sẵn sàng chuẩn bị cho những chương trình phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy việc thí điểm những công nghệ mới, đặc biệt trong việc sử dụng những công nghệ về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

Tại tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Thái Thanh Phong cho biết, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà của tỉnh lên đến hàng ngàn MW; trong đó, tiềm năng lớn nhất là hệ thống mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp với khoảng 3,5 nghìn MW.

Hiện tỉnh có 31 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích hơn 10 nghìn ha; trong đó, diện tích nhà xưởng có thể lắp đặt điện mặt trời hơn 7 nghìn ha.

Nhờ lợi thế này và các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời của Trung ương và địa phương, tại Đồng Nai đã có gần 6 nghìn hệ thống điện mặt trời được đấu nối vào lưới điện quốc gia, sản lượng điện phát lên lưới chiếm 5% điện thương phẩm toàn tỉnh; trong đó, nhiều hệ thống điện mặt trời vừa phục vụ sản xuất công nghiệp tại chỗ, vừa phát lưới.

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam Hoàng Văn Quốc Chương, cùng lúc công ty phát triển nhiều loại hình năng lượng tái tạo. Hiện, nhà máy tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã đầu tư lò hơi sinh khối sử dụng viên nén trấu thay nhiên liệu dầu DO hay khí LPG.

Sắp tới, lò hơi này nâng cấp thành hệ thống đồng phát điện hơi với công suất phát điện 12 MW, khi đó sẽ cung cấp 50% lượng điện phục vụ cho nhà máy và giảm phát thải khoảng 42 nghìn tấn CO2/năm.

Dự án nhà máy điện gió Hanbaram tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đã được đưa vào vận hành thương mại. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng đang được xem là giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh có ba ưu thế, thuận lợi để phát triển về điện gió ngoài khơi. Đó là tiềm năng năng lượng gió khi có tốc độ gió 8÷10 m/s ở độ cao trung bình 100 m, đất dưới mặt biển tương đối bằng phẳng, độ sâu đáy biển 20-40 m như Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố.

Ngoài ra, trong việc phát triển điện gió ngoài khơi có thể kết hợp sản xuất hydrogen nhằm đảm bảo phát triển năng lượng theo hướng bền vững, hướng tới nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Từ tháng 7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định 80). Qua đó, tháo gỡ điểm nghẽn lớn trong việc đầu tư, sử dụng điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào sản xuất để sử dụng, bán năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định, Việt Nam không thiếu điện. Tuy nhiên, do các yếu tố bất lợi trong nguồn cung nguyên liệu đầu vào, triển khai dự án mới và biến đổi khí hậu nên có nơi, có lúc xảy ra khó khăn trong cung ứng điện.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Chính phủ đặt ra mục tiêu lớn về năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng.

Tỉnh Bình Dương sẽ đồng bộ với Quy hoạch điện VIII, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng sạch, an toàn và lâu dài cho các ngành công nghiệp, khu công nghiệp và các khu vực dân cư. Đặc biệt, kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo tiền đề để tỉnh có thể triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đó, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo hệ thống trạm biến áp và đường dây điện 110 kV cùng với các đường dây trung thế, hạ thế để đảm bảo kết nối ổn định với các nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng mạnh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng sẽ khai thác tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện sinh khối và điện rác, không chỉ nhằm giảm thiểu phát thải mà còn góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, tăng cường tính bền vững cho hệ thống năng lượng của tỉnh./.

Hồng Đạt

(TTXVN/Vietnam+)

Các tin tức khác

>   80 cơ sở sản xuất ximăng sẽ phải kiểm kê khí nhà kính (02/11/2024)

>   Vì sao sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có thể hoạt động "chui" tại Việt Nam? (02/11/2024)

>   Sau heo, chuối, sầu riêng... bầu Đức tiết lộ đang nuôi cá hồi, cá tầm (02/11/2024)

>   Cơ quan Thuế khẳng định quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, kể cả Temu (02/11/2024)

>   Đề nghị truy tố ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (02/11/2024)

>   Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng: Đội vốn hàng nghìn tỷ, 15 năm chưa hẹn ngày về đích (02/11/2024)

>   Vì sao đại gia Thái Lan tạm dừng vận hành tổ hợp hoá dầu 5,4 tỷ USD ở Việt Nam? (02/11/2024)

>   Biến đổi khí hậu: Những quy định pháp luật cần thiết để bảo vệ tương lai (04/11/2024)

>   Cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ cùng 14 bị can hầu tòa trong vụ Xuyên Việt Oil (02/11/2024)

>   Khuyết điểm của ESG (02/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật