Biến đổi khí hậu: Những quy định pháp luật cần thiết để bảo vệ tương lai
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21, tác động đến mọi lĩnh vực từ môi trường đến kinh tế và xã hội, đe dọa tính mạng và sinh kế của hàng tỷ người trên khắp thế giới. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, mực nước biển dâng cao, và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phổ biến hơn, khiến cho việc xây dựng và thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Tình hình biến đổi khí hậu hiện nay
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2023 đã ghi nhận mức nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từ trước đến nay, gần đạt ngưỡng 1.5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu bắt nguồn từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trong các ngành sản xuất năng lượng, tạo ra lượng khí thải nhà kính khổng lồ. Ngoài ra, nạn chặt phá rừng và việc sử dụng phương tiện giao thông cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng này.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Các khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với hạn hán kéo dài, ngập lụt nghiêm trọng và sự gia tăng của các trận bão lũ. Không chỉ thiên tai, biến đổi khí hậu còn gây ra những tác động nghiêm trọng đến kinh tế. Thời tiết bất thường dẫn đến mất mùa, giảm năng suất cây trồng và vật nuôi, làm giảm thu nhập của nông dân và ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan như chế biến thực phẩm và xuất khẩu. Sức khỏe cộng đồng cũng bị đe dọa bởi các đợt nắng nóng cực đoan và ô nhiễm không khí. Gần đây nhất, cơn bão Yagi đã bổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng. Có thể thấy, thiên tai ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến đồng bào sống ở vùng ven biển hay miền núi, đang phải chịu đựng những áp lực lớn từ thiên nhiên.
Để đối phó với những thách thức này, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật và quy định quan trọng nhằm bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 với những sửa đổi, bổ sung quan trọng cùng với các chính sách liên quan đến phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đề ra.
Các quy định pháp luật hiện hành
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã được sửa đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu, với một số điểm nổi bật. Cụ thể, cộng đồng dân cư được xác định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Khoản 28 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Kiểm toán môi trường được bổ sung tại Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường hiệu quả hơn.
Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường với các quy định rõ ràng hơn về quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và yếu tố nhạy cảm về môi trường được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Quản lý chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thu gom, theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đánh giá mối quan hệ giữa sức khỏe môi trường với sức khỏe con người.
Tổ chức và phát triển thị trường carbon lần đầu tiên được ghi nhận để giảm phát thải khí nhà kính tại Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Mặc dù đã có những quy định tiến bộ, quá trình thực thi vẫn còn nhiều bất cập cần được hoàn thiện.
Những bất cập trong thực thi pháp luật
Theo Công ty Luật Anh Sĩ, một số bất cập trong việc thực thi pháp luật hiện nay có thể kể đến như: thiếu quy định cụ thể về đánh giá khả năng chịu tải của môi trường, tại khoản 23 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ đề cập đến khái niệm khả năng chịu tải của môi trường, không có các quy chế hay tiêu chí rõ ràng để hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong việc xác định và đo lường khả năng chịu tải của các hệ sinh thái khác nhau. Điều này, dẫn đến sự thiếu chính xác trong việc đánh giá khả năng chịu tải, gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đã quy định các hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, mức độ xử phạt trong một số trường hợp vẫn còn nhẹ so với thiệt hại thực tế mà hành vi vi phạm gây ra. Chẳng hạn, hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên với thải lượng nước thải nhỏ hơn 05m3/ngày thì có thể bị phạt tiền từ 30,000,000 đồng đến 50,000,000 đồng (đối với cá nhân), từ 60,000,000 đồng đến 100,000,000 đồng (đối với tổ chức), ngoài ra còn có các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, ngày càng nhiều hành vi vi phạm phát sinh trên thực tế đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường và sức khỏe con người.
Thứ ba là thiếu cơ chế giám sát hiệu quả để thực thi pháp luật, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Những hành vi như xả thải trái phép, khai thác tài nguyên quá mức hay xây dựng không tuân thủ quy chuẩn sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có sự giám sát hiệu quả từ các cơ quan chức năng. Việc thiếu cơ chế giám sát có thể tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra mà không bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Thứ tư, thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan ban ngành, trên thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan này còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong quy trình quản lý và giám sát các vấn đề trong công tác bảo vệ môi trường.
Giải pháp đề xuất
Để khắc phục những bất cập này, Công ty Luật Anh Sĩ đề xuất cần thực hiện một số giải pháp sau: thứ nhất, cần xác định khả năng chịu tải của môi trường. Trong đó, hệ thông luật cần có các hướng dẫn chi tiết về phương pháp xác định và đánh giá khả năng chịu tải của môi trường đối với từng loại hình hoạt động kinh tế - xã hội. Cần quy định rõ các thông số môi trường, phương pháp tính toán khả năng chịu tải; quy trình công bố thông tin về khả năng chịu tải.
Thứ hai, cần tăng cường chế tài xử phạt. Việc này liên quan đến sửa đổi quy định để nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm, nhằm tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
Thứ ba, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát độc lập và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, trong hoạt động giám sát, nâng cao tính minh bạch và công khai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và tham gia giám sát.
Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành. Việc thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương sẽ góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về môi trường giữa các cơ quan, đơn vị.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường thông qua các chương trình giáo dục, phong trào cộng đồng và thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường.
Biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức lớn cho Việt Nam và toàn cầu. Việc xây dựng và thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là cần thiết để bảo vệ tương lai cho thế hệ mai sau. Khắc phục những bất cập trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho một hệ thống bảo vệ môi trường hiệu quả và bền vững. Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân. Những hành động nhỏ như phân loại rác thải hay sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đều góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
ThS.LS. Trần Văn Sĩ - ThS.LS. Huỳnh Thị Mỹ Hằng (Công ty Luật Anh Sĩ)
FILI
|