Chuyên gia: Phát triển đường thủy nội địa để giảm chi phí logistics
Chuyên gia cho rằng có thể giảm chi phí logistics nếu tận dụng lợi thế tự nhiên lớn về hệ thống sông ngòi chằng chịt, đặc biệt khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ để phát triển vận tải đường thủy nội địa.
Tại hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024 diễn ra ngày 31/10, ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cho biết các cảng biển hiện nay kết nối chủ yếu bởi hệ thống đường bộ, đường sắt cũng có nhưng không nhiều.
Vấn đề đặt ra là vai trò của đường thuỷ nội địa sẽ như thế nào, khi có thuận lợi về mặt tự nhiên tốt như vậy, "bởi nếu khai thác được hiệu quả, tôi cho rằng sẽ tiết giảm chi phí logistics rất nhiều”, ông nói.
Hiện nay, đóng góp của vận tải đường thủy nội địa bằng 20% tổng lượng vận tải hàng hóa trên toàn quốc, nhưng đối nghịch là vốn đầu tư công cho tuyến đường này lại chiếm chưa đến 2%. Trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, theo lời ông Thu, Việt Nam có thể giảm một phần nhỏ chi phí đầu tư cho đường bộ và chuyển sang cho đường thuỷ nội địa, nhưng hiệu quả mang lại có thể sẽ lớn vì tận dụng lợi thế tự nhiên.
Để đường thủy nội địa phát triển mạnh, cần đầu tư công dẫn dắt, làm tiền đề cũng như tạo vốn “mồi” cho đầu tư tư nhân. “Lĩnh vực đường sông hiện rất khó kêu gọi tư nhân để đầu tư vào hạ tầng vì quá trình thu hồi vốn sẽ khác so với đường bộ hay các dịch vụ khác”, ông cho hay.
Nhằm khuyến khích thị trường sử dụng tuyến đường này, TPHCM đang áp dụng giảm 50% phí hạ tầng cảng biển đối với toàn bộ hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy nội địa về các cảng tại khu vực thành phố từ tháng 8/2022.
“Dù giảm ngân sách thành phố nhưng tôi cho rằng chúng ta sẽ được lợi hơn rất nhiều”, ông Thu nói, cho biết thành phố đang thu mỗi năm khoảng hơn 3 ngàn tỷ đồng từ loại phí này nhưng ông vẫn kỳ vọng sẽ giảm thêm. Lợi ích ngoài việc giúp chuyển dịch cơ cấu vận tải từ đường bộ sang đường thủy, còn làm giảm phát thải, hạn chế nguy cơ về tai nạn giao thông, ùn tắc kéo dài và tiết kiệm chi phí bảo trì.
Các chuyên gia tại hội thảo sáng 31/10. Ảnh: Tử Kính
|
Cần có thêm các trung tâm logistics, khu thương mại tự do
Trong khuôn khổ các ý kiến được nêu ra hội thảo nhằm cải thiện hệ thống logistics Việt Nam để giảm chi phí, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương - đề cập đến việc cần có các trung tâm logistics và các khu thương mại tự do.
Theo ông, hạ tầng đường sá, giao thông vận tải thường được nghĩ đến khi nói về logistics nhưng các trung tâm logistics đóng vai trò quan trọng không kém. Đây được xem là loại hạ tầng “tĩnh”, là nơi tập kết, giúp kết nối và phân phát hàng hóa phục vụ cho cả trong và ngoài nước.
Trong khi đó, sự phát triển các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh mún, thể hiện qua số lượng đang không nhiều và rất thiếu các trung tâm quy mô lớn, hiện đại và có khả năng hỗ trợ liên kết các địa phương cũng như liên kết các doanh nghiệp logistics.
“Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có các khu logistics, nơi tập hợp nhiều trung tâm logistics và có thể xử lý được nhiều chức năng khác nhau”, chuyên gia kỳ vọng.
Đối với khu thương mại tự do, theo ông Hải, đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Ngoài chức năng logistics, khu này cho phép thiết lập các cơ sở dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics. Ví dụ như chia tách, đóng gói, tạo giá trị gia tăng đối với hàng hóa.
“Đây sẽ là nơi tạo ra sức hút, thúc đẩy hàng hóa trung chuyển của các nước khác qua lãnh thổ Việt Nam”, ông nói và cho hay nhiều địa phương hiện có mong muốn triển khai khu này. Quốc hội vừa qua cũng đã cho phép triển khai thí điểm tại Đà Nẵng và sắp tới có thể là Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu. Những địa phương có luồng hàng hóa mạnh như sân bay cũng có thể triển khai như khu vực sân bay Long Thành, hoặc các cửa khẩu biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai…
Ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cũng cho biết rất nhiều địa phương có chung biên giới với các nước đang đề xuất xây dựng khu phi thuế quan hay khu thương mại xuyên biên giới. Các công trình này đang được tổng hợp các vướng mắc để trình cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn đang làm thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh, nếu thành công thì năng lực thông quan sẽ rất nhanh, hoạt động 24/7 và chi phí cực kỳ rẻ. “Dù vẫn còn nhiều vướng mắc về thể chế nhưng đang dần được tháo gỡ”, ông thừa nhận.
Tử Kính
FILI
|