Đề xuất sớm mở sàn giao dịch cà phê để quản trị rủi ro
Tại hội thảo do Sở Công Thương Gia Lai tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất sớm mở sàn giao dịch cà phê để tham chiếu giá cả, quản trị rủi ro.
Ngày 4-11, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo phòng ngừa rủi ro giá cà phê - các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa.
Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phòng ngừa rủi ro giá cà phê, thúc đẩy ứng dụng giao dịch hàng hóa phát sinh trong quản trị rủi ro giá cà phê. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê tìm hiểu về các công cụ quản trị rủi ro bảo hiểm giá cà phê.
Sàn giao dịch để tham chiếu giá, quản trị rủi ro
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với giá trị thu về gần 2,4 tỉ USD. Đây là mức cao nhất được ghi nhận của ngành cà phê trong sáu tháng đầu năm từ trước đến nay.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ thị trường trong nước- Bộ Công Thương, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, đã xuất qua thị trường 80 nước.
Mặc dù là cường quốc xuất khẩu cà phê nhưng giá trị tham chiếu xuất khẩu đều phụ thuộc vào các thị trường khác; trong đó có hai sàn giao dịch quốc tế là New York, London.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng rất cần thiết thành lập sàn giao dịch cà phê trong nước nhằm giảm thiểu nguy cơ thao túng giá; đảm bảo cho nông dân, doanh nghiệp có bảng giá tham chiếu, đảm bảo tính công bằng; quản trị rủi ro, giá cả trên thị trường.
Ông Tuấn nói để tổ chức hoạt động, vận hành được sàn giao dịch hàng hóa thì không chỉ ngành nông nghiệp mà còn có sự chung tay liên kết lại từ các lĩnh vực khác như logistics, tài chính, kho bãi…
Nhiều thách thức
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest, cho rằng việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam là một ý tưởng đầy tham vọng, tiềm năng và cũng nhiều thách thức.
“Sàn là nơi giao dịch các hợp đồng cà phê tương lai; qua đó cung và cầu gặp nhau, hình thành giá. Giá cà phê trên sàn thường được gọi là giá tham chiếu cho thị trường. Các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu cà phê có thể sử dụng sàn để bảo vệ mình trước biến động giá”- ông Bình nói.
Theo ông Bình, sàn giao dịch tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch, công bằng, giúp nông dân có thể bán được sản phẩm với giá cả hợp lý, ổn định, tăng thu nhập. Đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra cơ hội phát triển các hoạt động chế biến, xuất khẩu cà phê.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng có rất nhiều rủi ro khi mở sàn giao dịch như về mặt pháp lý, thị trường giá biến động, về công nghệ, rủi ro về tài chính. Do đó, cần đặt ra các giải pháp phòng ngừa, hợp tác từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính.
Nếu sàn giao dịch cà phê được mở tại Gia Lai sẽ tận dụng tối đa lợi thế vùng chuyên canh cây cà phê, kết nối các tỉnh Tây Nguyên – nơi chiếm trên 92% diện tích cà phê cả nước. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty CP Cà phê Classic Gia Lai, nói cần nhìn thẳng vào vấn đề hình thành, nguy cơ thất bại khi mở sàn giao dịch cà phê.
“Trước đây, sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ở Đắk Lắk đã thất bại là một bài học. Sàn là chợ, thu hút người mua, người bán nên cần xác định rõ người tham gia sàn giao dịch thì được lợi gì, mất gì, tránh những sự việc thất bại tương tự đã xảy ra”- ông Lâm nói.
Khai tử Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sau 10 năm
Năm 2018, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (viết tắt là BCEC, đặt tại tỉnh Đắk Lắk) chính thức “khai tử” sau 10 năm hoạt động.
Trước đó, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập BCEC, hứa hẹn sẽ tăng giá trị cho cà phê. Tuy nhiên, các thành viên đăng ký nhưng không góp, hoặc góp vốn rất ít khiến BCCE gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
|
LÊ KIẾN
Pháp luật TPHCM
|