Chủ tịch Digiworld nói về Temu, mách nước người bán hàng Việt trước sức ép hàng giá rẻ
Nhà sáng lập, Chủ tịch CTCP Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW) - ông Đoàn Hồng Việt cho rằng làn sóng hàng giá rẻ nhập khẩu từ Temu sẽ gây tổn hại lớn đối với người kinh doanh các sản phẩm phổ thông.
Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch Digiworld
|
Tại buổi Investor Meeting quý 3/2024, diễn ra chiều ngày 5/11, trả lời câu hỏi từ nhà đầu tư, ông Việt mô tả góc nhìn cá nhân về Temu: Là nền tảng bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới - với chiến lược tập trung vào tìm hiểu thị hiếu thị trường nhằm đặt hàng và tung ra sản phẩm có giá trị nhỏ “với các mức giá rất khủng bố”.
“Họ tập trung vào các đơn hàng dưới 1 triệu đồng, và sẽ không phải đóng tiền thuế nhập khẩu” - ông Việt nói.
Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Chủ tịch Digiworld đánh giá, sự xâm nhập của Temu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những người bán hàng nhỏ ở Việt Nam, bởi sự bất công về chính sách thuế.
Tuy nhiên, về phía Digiworld, ông Việt tự tin rằng Temu khó có tác động đáng kể. Bởi doanh nghiệp mà ông dẫn dắt tập trung kinh doanh các sản phẩm có giá trị cao, yêu cầu dịch vụ hậu mãi. “Chẳng thế nào mua (sản phẩm) qua một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, rồi không biết sau này sẽ bảo hành ở đâu.”
Ông cho biết, công ty con B2X (vận hành hệ thống trung tâm bảo hành) là miếng ghép chiến lược cho hệ sinh thái của Digiworld, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo đó, nhà phân phối này đã nâng sở hữu tại B2X từ mức 49% lên 100% trong quý 2/2024, sau khi mua lại cổ phần từ B2X Care Solutions GmbH - công ty cung ứng dịch vụ chăm sóc khách hàng nổi tiếng, có trụ sở tại Munich, Đức.
“Tất cả hãng mới, hãng cũ đều cần đến mạng lưới trung tâm bảo hành này” - ông Việt cho biết. Khả năng cung cấp dịch vụ hậu mãi tốt hơn so với mặt bằng thị trường sẽ củng cố vị thế của Digiworld trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối các sản phẩm điện tử tiêu dùng, thiết bị kỹ thuật. Đây đều là những sản phẩm yêu cầu dịch vụ sau bán hàng tốt.
Digiworld - thông qua B2X và DCare - hiện nay đang sở hữu hệ thống trung tâm bảo hành lớn nhất trong số các đơn vị tham gia vào lĩnh vực này, theo ông Việt.
“Còn các nhà bán lẻ trên mạng, tôi nghĩ họ phải tìm những sản phẩm có tính độc đáo thì mới tồn tại được. Bởi vì mô hình Temu là bán sản phẩm phổ thông, với số lượng cực kỳ lớn và giá cực kỳ rẻ” - ông nói.
Chủ tịch Digiworld cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo sự công bằng về chính sách thuế giữa những người bán hàng nhập khẩu, bao gồm cả các nền tảng thương mại xuyên biên giới như Temu.
“Môi trường kinh doanh bình đẳng thì mới khuyến khích được thị trường phát triển.” - ông nhận định.
Thừa Vân
FILI
|