Thứ Bảy, 09/11/2024 21:30

Cà phê Việt thắng lớn, chờ quyết định lịch sử từ thị trường 48 tỷ USD

Cà phê Việt Nam có một niên vụ xuất khẩu thắng lớn chưa từng có, nhiều kỷ lục lịch sử được thiết lập. Thế mạnh này của nước ta đang chờ quyết định lịch sử từ thị trường EU có quy mô gần 48 tỷ USD.

Bội thu các kỷ lục

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 10/2024 ước đạt 50.000 tấn, giá trị đạt 292,7 triệu USD; đưa tổng khối lượng cà phê 10 tháng năm nay đạt gần 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD. Mặc dù khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% nhưng giá trị lại tăng vọt 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao kỷ lục lịch sử trong 30 năm qua kể từ khi cà phê Việt tham gia thị trường thế giới. 

Còn theo báo cáo về kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024) của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), nước ta đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm hơn 12,1% so với niên vụ trước đó. 

Tuy nhiên, giá trị vẫn tăng mạnh 33% do giá cà phê lập đỉnh lịch sử. Nhờ đó, xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua đem về hơn 5,4 tỷ USD - mức cao chưa từng có.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VICOFA, nhận xét, năm 2024 có những điều vô cùng đặc biệt với ngành hàng này. Lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng đứng đầu thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica. 

Các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng, 2024 là "năm thần kỳ", ngành cà phê Việt Nam thắng lớn. Giá cao đến mức "nằm mơ cũng không thấy”. 

Thực tế, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng một mạch từ đầu năm đến nay. Cụ thể, tháng 1 loại hạt giàu vị đắng này của nước ta có giá xuất khẩu chỉ 3.054 USD/tấn, thì đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn. Tức chỉ trong vòng 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng tới 91,7%.

Tương tự, giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa cuối tháng 10 năm ngoái chỉ dao động từ 58-59 triệu đồng/tấn, đến thời điểm ngày 8/11 tăng lên 105-106 triệu đồng/tấn. Thậm chí, cuối tháng 4, giá cà phê còn lập đỉnh lịch sử 131 triệu đồng/tấn.

Với mức giá này, tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, người dân còn ví cây cà phê là các “cây ATM”, giúp bà con “hái ra tiền tỷ”.

Bên cạnh những kỷ lục về giá và kim ngạch xuất khẩu, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới. Theo đó, tình trạng sản lượng cà phê nước ta sụt giảm tác động mạnh đến xu hướng giá thế giới.

Cà phê Việt Nam đang bước vào niên vụ thu hoạch mới. VICOFA dự báo, lượng cà phê xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ phục hồi do cả cung và cầu dịp cuối năm tăng lên.

EUDR có hiệu lực, giá cà phê Việt sẽ tăng mạnh

Thế nhưng, ngành cà phê Việt đang chờ quyết định lịch sử liên quan đến Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR). 

Cà phê của nước ta đã xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường châu Âu (EU) chiếm khoảng 38% tổng lượng cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. 

EU đang là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, khoảng 33-35% thị phần toàn cầu. Quy mô tiêu thụ cà phê của thị trường này trong năm 2024 dự kiến lên tới gần 48 tỷ USD và sẽ tăng lên trên 58 tỷ USD vào năm 2029. Do đó, bất kỳ chính sách lớn nào đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tác động ngay tới diễn biến giá cà phê.

Đáp ứng EUDR, cà phê Việt được hưởng lợi về giá khi EU thực thi quy định này. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo lộ trình EUDR, từ ngày 30/12/2024, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường EU nếu không chứng minh được sản phẩm của mình không liên quan đến phá rừng. 

Thế nên, ngay khi EU ban hành quy định mới liên quan đến nhập khẩu cà phê, thị trường trong nước và quốc tế dấy lên lo ngại về hiện trạng cung - cầu bị thay đổi. Điều này nhanh chóng được phản ánh lên diễn biến giá cà phê trong năm 2024. 

Các quốc gia thuộc EU đã chạy đua nhập khẩu cà phê nhằm đảm bảo nguồn cung trước ngày 30/12. Cùng với áp lực sản lượng cà phê giảm tại nhiều quốc gia sản xuất khiến mặt hàng này sốt giá trên toàn cầu, thị trường rơi vào trạng thái mất cân bằng cung - cầu cục bộ. 

Tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hoãn thi hành EUDR thêm 1 năm và nhanh chóng nhận được đồng thuận từ Hội đồng EU (EUCO), song vấp phải sự phản đối từ các tổ chức môi trường. Kết quả cuối cùng về lộ trình EUDR sẽ được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu vào ngày 13-14/11 tới. 

Nếu EUDR giữ nguyên lộ trình cũ, trong ngắn hạn, các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng trong những tháng còn lại của năm 2024, khiến cầu về cà phê trên thị trường tăng vọt. Điều này gây tình trạng cung nhỏ hơn cầu tạo đà hỗ trợ quan trọng đối với giá cà phê trong 2 tháng cuối năm. 

Còn trong trường hợp EU quyết định lùi thời gian thực hiện EUDR, cung - cầu cà phê trên thị trường tạm thời ổn định, cùng với sự bổ sung nguồn cung từ cà phê thu hoạch trong niên vụ 2024-2025 của Việt Nam, giá cà phê thế giới khả năng cao chỉ neo dưới 4.700 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê nội địa sẽ chỉ dao động trong khoảng 100.000-110.000 đồng/kg. 

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên và rất tích cực triển khai thực hiện EUDR. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta đã sẵn sàng xuất khẩu cà phê đáp ứng EUDR ngay khi quy định này được thực thi.

Những tháng vừa qua, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung vào mua cà phê Việt khi mốc thời gian thực hiện EUDR đến gần. Bởi, Việt Nam gần như là nguồn cung cấp cà phê duy nhất vào thời điểm này có thể giúp họ bảo đảm được quy định EUDR một cách chắc chắn. Qua đó, đẩy giá cà phê Việt Nam lên mức cao nhất thế giới.

Trường hợp EUDR được thực thi ngay, cà phê Việt sẽ được hưởng lợi lớn về giá vì nước ta bắt đầu vào vụ thu hoạch mới, sản lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, lãnh đạo VICOFA nhấn mạnh.

Tâm An

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Bình Thuận: Thanh long nghịch vụ rớt giá "sốc", còn 2.000 đồng/kg (09/11/2024)

>   Gạo AAN vinh dự nhận giải thưởng Thương hiệu Quốc gia năm 2024 (05/11/2024)

>   Đề xuất sớm mở sàn giao dịch cà phê để quản trị rủi ro (04/11/2024)

>   Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản đã quay trở lại mốc 1 tỷ USD một tháng (04/11/2024)

>   Việt Nam vẫn giữ ngôi đầu về xuất khẩu gạo vào Philippines (03/11/2024)

>   Xuất siêu nông, lâm, thuỷ sản trong 10 tháng đạt hơn 15,2 tỷ USD, tăng hơn 62% (31/10/2024)

>   Hàn Quốc đối mặt với tình trạng thiếu kim chi khi giá cải thảo tăng cao kỷ lục (27/10/2024)

>   Giá phân bón trong nước bám sát xu hướng biến động trên thế giới (27/10/2024)

>   Trồng lúa giảm phát thải lãi tăng 18 triệu/ha, chờ bán tín chỉ carbon (27/10/2024)

>   Xuất khẩu sang Trung Quốc ‘thủng đáy’, gạo Việt lại nhận thêm tin xấu (27/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật