Biến đổi khí hậu có thể gây tổn thất nặng nề cho các nền kinh tế châu Á
Theo cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lớn đối với khu vực kinh tế châu Á- Thái Bình Dương và nếu không hành động, tổn thất sẽ nghiêm trọng hơn.
Lực lượng cứu hộ đưa những cư dân bị mắc kẹt trong nhà sau khi lũ lụt do cơn bão nhiệt đới Trà Mi (tên địa phương là Kristine) tấn công ngôi làng của họ ở Libon, tỉnh Albay, Philippines vào hôm 23-10. Biến đổi khí hậu khiến các cơn bão lũ xuất hiện thường xuyên hơn ở châu Á. Ảnh: AP
|
Báo cáo của ADB hôm 31-10 cho biết, các nền kinh tế châu đang phát triển Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản, Úc và New Zealand) sẽ cần phải chi tiêu nhiều hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngân hàng này cảnh báo, từ nay đến năm 2070, nếu không được kiểm soát, biến đổi khí hậu có thể làm tổn hại tích lũy 17% GDP của khu vực. Mức tổn thất GDP này có thể lên đến 41% vào năm 2100.
Theo tổ chức cho vay có trụ sở tại Manila (Philippines), có tới 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa do tình trạng ngập lụt ven biển và hàng nghìn tỉ đô la Mỹ tài sản ven biển có thể bị thiệt hại hàng năm vào năm 2070 nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục diễn biến nhanh hơn. Tổn thất sẽ đặc biệt lớn đối với những nước dễ bị tổn thương như Bangladesh, Việt Nam và Indonesia.
Trong khi đó, nắng nóng sẽ làm giảm nguồn cung lao động và năng suất. Các ngành phụ thuộc vào khí hậu như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ đối mặt với những cú sốc làm giảm sản lượng.
“Cần có hành động khẩn cấp, phối hợp tốt về khí hậu để giải quyết những tác động này trước khi quá muộn”, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa nói.
ADB cho rằng, các nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực đã đạt được động lực, nhưng vẫn chưa đủ để đạt được các mục tiêu toàn cầu.
Theo báo cáo, các chính sách khí hậu hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục nóng lên và cao hơn 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong thế kỷ hiện tại. Mức nhiệt độ tăng lên này cao gấp đôi mức giới hạn nóng lên 1,5 độ C mà các chính phủ đã nhất trí trong Thỏa thuận khí hậu Paris vào năm 2016 để ngăn chặn một loạt hậu quả nguy hiểm.
“Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ tàn phá từ các cơn bão nhiệt đới, đợt nắng nóng và lũ lụt trong khu vực. Điều này gây ra những thách thức kinh tế chưa từng có hay bi kịch của con người”, người đứng đầu ADB Masatsugu Asakawa nói.
Dù đạt những bước tiến đáng kể trong nỗ lực giảm cường độ phát thải carbon, khu vực châu Á đang phát triển vẫn tạo ra gần một nửa lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
ADB cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động sản xuất, nhu cầu năng lượng và tiêu dùng trong khu vực đã làm gia tăng phát thải trong hai thập niên qua. Trong đó, Trung Quốc chiếm 2/3 mức tăng phát thải nhà kính của khu vực. Nam Á và Đông Nam Á đóng góp lần lượt 19,3% và 15,4% mức tăng phát thải.
Do phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, năng lượng là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất trong khu vực, chịu trách nhiệm cho 77,6% tổng lượng phát thải.
ADB cảnh báo, nếu không được kiểm soát, những xu hướng này sẽ đặt châu Á vào trung tâm của cuộc khủng hoảng khí hậu, xét về cả tác động từ sự nóng lên toàn cầu và các giải pháp. “Thời hạn để duy trì mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris đang nhanh chóng khép lại", ADB lưu ý.
ADB kêu gọi các nước châu Á đưa ra kế hoạch hành động tham vọng hơn để đẩy nhanh lộ trình hướng đến mục tiêu đưa lượng phát thải ròng carbon về mức zero (Net-Zero). Các nước có thể tăng quy mô đầu tư vào các công nghệ khí hậu tiên tiến và các giải pháp dựa trên thiên nhiên.
ADB ước tính, châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư từ 102-431 tỉ đô la Mỹ hàng năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Con số này vượt xa con số đầu tư 34 tỉ đô la hàng năm mà các nước trong khu vực cam kết trong giai đoạn 2021-2022.
ADB ghi nhận, châu Á - Thái Bình Dương đang có vị thế thuận lợi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Khu vực này có tiềm năng to lớn để sản xuất năng lượng tái tạo và có thể sản xuất một số loại điện tái tạo rẻ nhất thế giới. Những lợi thế khác như nền kinh tế tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động lớn và nền tảng sản xuất mạnh mẽ có thể giúp châu Á phát triển các công nghệ cần thiết cho quá trình khử carbon toàn cầu.
Điều đó mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Nếu xây dựng các chính sách nhất quán và các hệ thống tài chính hướng đến khí hậu, các chính phủ trong khu vực có thể thu hút nguồn vốn tư nhân để lấp đầy khoảng trống về hoạt động tài trợ cho các giải pháp khí hậu.
Khánh Lan (Theo Reuters, WSJ)
TBKTSG
|