Xuất khẩu thép Trung Quốc sắp đối mặt “cơn bão” thuế quan toàn cầu
Xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ sớm đạt mức cao nhất trong 8 năm, trước khi làn sóng thuế quan lan rộng kéo ngành công nghiệp này đi xuống vào năm 2025, theo nhận định của các chuyên gia.
Là nhà xuất khẩu thép lớn nhất, Trung Quốc chiếm khoảng 55% sản lượng thép toàn cầu. Xuất khẩu thép của nước này đã tăng vọt trong năm nay và dự kiến sẽ vượt mốc 100 triệu tấn, ngang bằng với năm 2016.
Các chiến lược gia tại Macquarie Capital dự đoán xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ đạt 109 triệu tấn năm nay, trước khi giảm xuống 96 triệu tấn vào năm 2025. Thuế quan có thể tiếp tục kìm hãm xuất khẩu thép của Trung Quốc, "mặc dù có thể cần thời gian để thể hiện rõ tác động", các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư này nói.
Các nhà phân tích khác cũng tỏ ra đồng tình. Xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ "nghiêng về xu hướng giảm" từ năm tới trở đi do các biện pháp chống bán phá giá, theo Ren Zhuqian, Chuyên viên phân tích từ công ty tư vấn thép Mysteel, cho biết.
Thị trường nước ngoài đặc biệt quan trọng với Trung Quốc trong bối cảnh dư cung trong nước, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và sự suy giảm trong hoạt động sản xuất.
Tháng 9, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên 10.2 triệu tấn. Đây là tháng vượt qua mốc 10 triệu tấn đầu tiên kể từ tháng 6/2016. Nếu xét trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 21.2% so với cùng kỳ năm trước, lên 80.7 triệu tấn, theo số liệu hải quan tuần trước.
Sau khi đạt mức kỷ lục 112 triệu tấn vào năm 2015, xuất khẩu thép của nước này đã trải qua nhiều năm suy giảm trước khi bắt đầu cải thiện vào năm 2020.
Tăng trưởng xuất khẩu thép đã tăng tốc kể từ đó, trong bối cảnh thiếu hụt nhu cầu trong nước. Xuất khẩu thép vẫn tăng mạnh ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc chậm lại mạnh vào tháng 9 sau một loạt dữ liệu đáng thất vọng cho thấy nền kinh tế yếu kém.
Làn sóng áp thuế chống bán phá giá
“Cơn lốc” thép giá rẻ từ Trung Quốc đã khiến nhiều đối tác thương mại tỏ ra lo ngại về cạnh tranh không công bằng đối với các nhà sản xuất thép trong nước. Ngày càng nhiều nước tăng cường các biện pháp chống bán phá giá.
"Các nhà sản xuất thép ở các nước nhập khẩu đã chịu áp lực lớn", ông Chim Lee, nhà phân tích cao cấp tại Economist Intelligence Unit nói, đặc biệt là những nhà sản xuất ở Đông Nam Á và Trung Đông.
Thái Lan đã mở rộng thuế chống bán phá giá lên 31% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc vào tháng 8/2024. Mexico áp thuế gần 80% đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Tháng này, chính phủ Brazil áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép từ Trung Quốc. Và thuế bổ sung 25% của Canada đối với các sản phẩm thép Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 29/10.
Theo Tomas Gutierrez, Trưởng bộ phận dữ liệu tại công ty tư vấn Kallanish Commodities, những biện pháp bảo hộ này thường có tác động ngắn hạn, vì các nhà xuất khẩu thép thường tìm cách "lách" bằng cách vận chuyển qua nước thứ ba để tránh nhãn "Made in China".
Tuy nhiên, cuộc điều tra chống bán phá giá đang diễn ra của Việt Nam đối với cuộn cán nóng có thể làm chệch hướng đà xuất khẩu của Trung Quốc vì nó "ảnh hưởng đến khối lượng thép Trung Quốc lớn hơn nhiều", Gutierrez nói.
Việt Nam là nhà nhập khẩu thép lớn của Trung Quốc, tiêu thụ khoảng 10% xuất khẩu thép của nước này trong năm 2023, theo báo cáo của Mysteel. Các thị trường quan trọng khác bao gồm Thái Lan, Ấn Độ và Brazil.
Tháng trước, Chính phủ Ấn Độ ra lệnh áp thuế từ 12% đến 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam, leo thang thuế chống bán phá giá mà họ đã áp đặt với thép Trung Quốc năm ngoái.
"Chúng tôi thấy một kịch bản giống trò 'đập chuột chũi'", ông Chim Lee của EIU nói. Thuế quan khiến các nhà sản xuất thép Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường thay thế, "cho đến khi thị trường đó cũng áp đặt các hạn chế thương mại mới".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng gấp ba lần đối với thuế nhập khẩu thép Trung Quốc vào tháng 4, và ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump nói ông có thể tăng thuế lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu tái đắc cử vào tháng tới.
Nhưng tác động của những đe dọa này từ Washington sẽ khá hạn chế, vì chưa đến 1% xuất khẩu thép của Trung Quốc, trị giá 85 tỷ USD, được xuất khẩu đến Mỹ trong năm 2023.
Nhu cầu nội địa ảm đạm
Lần đầu tiên trong 6 năm, Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) tháng này dự báo nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc năm nay sẽ chiếm chưa đến 50% nhu cầu toàn cầu, với lý do lĩnh vực bất động sản của nước này liên tục suy yếu.
Theo ông Chim Lee, nhu cầu thép liên quan đến bất động sản của Trung Quốc có thể không thấy sự cải thiện đáng kể cho đến năm 2025 hoặc 2026, khi Bắc Kinh tìm cách kiềm chế nguồn cung nhà ở mới trong khi giải phóng hàng tồn kho nhà ở hiện có.
"Khởi công xây dựng mới, phần sử dụng thép nhiều nhất trong quá trình xây dựng bất động sản, sẽ tiếp tục ở mức rất thấp", ông Chim Lee nhận định.
Trong khi đó, ông cho biết thêm đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc ngày càng chuyển hướng từ đường bộ và đường sắt sang cơ sở hạ tầng năng lượng. Khoản đầu tư này khó có thể lấp đầy khoảng trống do các nhà xây dựng nhà ở để lại.
Ngày càng nhiều nhà sản xuất thép trong nước đã cắt giảm sản xuất do lợi nhuận kém từ việc bán thép. Gần 3/4 công ty thép Trung Quốc thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều công ty có nguy cơ phá sản.
Sản lượng thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm 5.4% so với tháng trước vào tháng 9, và giảm 6.4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ S&P Global.
Về căng thẳng thương mại leo thang, một phát ngôn viên của cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết phần lớn sản phẩm thép Trung Quốc là để đáp ứng nhu cầu trong nước, trước khi thừa nhận rằng thép cuộn cán nóng "sẽ có sức hấp dẫn rộng rãi trên thị trường nước ngoài" do đổi mới liên tục và nâng cấp sản phẩm trong ngành.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|