IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo rủi ro từ nợ công và bảo hộ thương mại
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm tới và cảnh báo về các rủi ro ngày càng gia tăng từ chiến tranh đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuy nhiên, tổ chức này cũng ghi nhận nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát mà không đẩy các quốc gia vào suy thoái.
Trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố vào ngày 22/10, IMF dự báo sản lượng toàn cầu sẽ tăng 3.2% trong năm 2025, thấp hơn 0.1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Tổ chức này giữ nguyên dự báo cho năm nay ở mức 3.2%. Lạm phát sẽ giảm từ 5.8% trong năm 2024 xuống 4.3% trong năm tới.
"Các rủi ro đang gia tăng theo chiều hướng xấu và sự bất ổn ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu", Pierre-Olivier Gourinchas, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại IMF, phát biểu trong cuộc họp báo.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh xảy ra rủi ro địa chính trị với khả năng leo thang của các xung đột khu vực, thị trường hàng hóa có thể bị tác động mạnh. "Khi chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, các chính sách bảo hộ, gián đoạn thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu”.
Mặc dù báo cáo không đề cập trực tiếp đến cuộc bầu cử Mỹ, cuộc tranh cử trong hai tuần tới vẫn phủ bóng lên các cuộc họp thường niên của IMF, nơi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ gần 200 quốc gia tập trung tại trụ sở IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, chỉ cách Nhà Trắng ba tòa nhà.
Phân tích của Bloomberg Economics đầu năm nay cho thấy lời hứa của Donald Trump về việc áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới có thể thúc đẩy lạm phát và gây áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất.
Trong cuộc họp báo ngày 22/10, Gourinchas cho biết thuế quan và bất ổn thương mại giữa các quốc gia có nguy cơ làm giảm mức sản lượng kinh tế toàn cầu khoảng 0.5% trong năm 2026.
Tuần trước, IMF đã bày tỏ lo ngại về nợ công toàn cầu, dự kiến sẽ đạt 100,000 tỷ USD, tương đương 93% GDP thế giới vào cuối năm nay. Sự gia tăng này do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt.
Quỹ này đang kêu gọi các Chính phủ hành động để ổn định việc vay nợ. Hiện các quốc gia đang thiếu ý chí chính trị để cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh áp lực phải tài trợ cho năng lượng sạch hơn, hỗ trợ dân số già và tăng cường an ninh. Vì vậy, IMF cho rằng "nợ có thể sẽ tăng."
Về triển vọng năm tới, dự báo của IMF cho khu vực đồng Euro đã bị hạ xuống 1.2%, thấp hơn 0.3 điểm phần trăm so với tháng 7, do sự suy yếu dai dẳng trong sản xuất ở Đức và Ý.
Dự báo của IMF
|
Dự báo cho Mexico bị cắt giảm nhiều nhất trong số các nền kinh tế lớn trong năm nay và năm tới, vì tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay bị giảm từ 5% xuống 4.8% do sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản và niềm tin tiêu dùng thấp, với dự báo năm 2025 được duy trì ở mức 4.5%.
Gourinchas cho biết mặc dù các biện pháp gần đây cho thấy Trung Quốc đang đi đúng hướng, nhưng không đủ để thúc đẩy tăng trưởng một cách đáng kể. Lưu ý rằng các biện pháp gần đây hơn từ Bộ Tài chính chưa được đưa vào dự báo của IMF.
Quỹ này đã nâng dự báo cho Mỹ lên 2.8% trong năm nay và 2.2% trong năm tới do tiêu dùng mạnh hơn.
IMF đã khen ngợi các ngân hàng trung ương trong việc kéo giảm lạm phát mà không đẩy các nền kinh tế vào suy thoái. Ông Gourinchas gọi đây là "một thành tựu lớn" của các NHTW.
Tuy nhiên, IMF cho rằng thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến tăng trưởng nhiều hơn dự định, làm trầm trọng thêm áp lực nợ Chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, và những đợt tăng giá mới về lương thực và năng lượng do các cú sốc khí hậu, chiến tranh và căng thẳng địa chính trị.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|