Các nước ASEAN có động thái cắt giảm lãi suất sớm hơn dự báo
Nhiều nước ASEAN cắt giảm lãi suất sớm hơn dự định, theo sau việc cắt giảm lãi suất hồi tháng trước của Quỹ Dự trữ liên bang (Fed). Hôm 16-10, Thái Lan và Philippines giảm 25 điểm phần trăm. Indonesia vẫn duy trì lãi suất như cũ nhưng có thể sẽ giảm vào cuối năm. Riêng Malaysia được kỳ vọng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới hoặc trễ hơn.
Tại một siêu thị ở Bangkok. Chính phủ Thái đã bất ngờ cắt giảm lãi suất hôm 16-10 nhằm thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích chi tiêu cá nhân và hộ gia đình. Ảnh: Reuters
|
Trong hai năm qua, ngân hàng trung ương các nước ASEAN đã nhanh chóng tăng lãi suất chính sách khi phải vật lộn với lạm phát toàn cầu và đồng đô la mạnh. Lạm phát gây áp lực lên nhu cầu trong nước, trong khi đồng nội tệ yếu hơn làm tăng gánh nặng từ nợ tính bằng đô la. Tăng trưởng ảm đạm và đồng tiền yếu đã dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi các quốc gia như Malaysia và Thái Lan.
Năm nay, tình hình đã bắt đầu thay đổi khi lạm phát ổn định và các loại tiền tệ trong khu vực tăng giá mạnh kể từ tháng 7 trước dự đoán về khả năng cắt giảm lãi suất của Mỹ. Các loại tiền tệ của Malaysia và Thái Lan là những đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong khu vực so với đô la, tăng khoảng 6,5% và 3% trong năm nay tính đến ngày 15-10.
Bất ngờ từ Thái Lan
Hôm 16-10, Ngân hàng Thái Lan (BoT) bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt lần đầu tiên sau bốn năm, giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 2,25%. Đây là động thái mà chính phủ kêu gọi từ lâu nhằm hồi phục nền kinh tế trì trệ với lạm phát dưới mục tiêu.
Trước đó, chỉ 4/28 nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự đoán BoT sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm trong tuần này, 24 người trả lời “không mong đợi có thay đổi của BoT”. Thậm chí, Low Shi Cheng, nhà phân tích rủi ro quốc gia tại hãng còn BMI thuộc Fitch Group dự kiến BoT sẽ chỉ bắt đầu nới lỏng vào năm tới.
Nhu cầu trong nước của Thái Lan vẫn ở mức lành mạnh khi lạm phát cơ bản đạt 0,77% vào tháng 9-2024 so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí vay cao đang hạn chế sức mua của các hộ gia đình mắc nợ. Với nợ hộ gia đình ở mức cao kỷ lục gần 91% GDP, ngân hàng trung ương cảnh giác với việc cắt giảm lãi suất sẽ khuyến khích nợ mới.
"Điểm mấu chốt của chính sách tiền tệ ở Thái Lan là nợ hộ gia đình. Giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này đòi hỏi sự hy sinh và niềm tin rằng, cho dù có một số biến động, nền kinh tế đang đi đúng hướng", nhà kinh tế Aris Dacanay của HSBC giải thích.
Tuy vậy, xuất khẩu của Thái Lan trở nên đắt hơn so với các nước láng giềng, do đồng baht đã tăng giá 14% trong quí 3, nhất là trong hai tháng 8 và 9. Tỷ giá có yếu đi trong vài ngày qua.
Tuần rồi, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul đã đề nghị chính phủ và BoT giảm chi phí đi vay nhằm giúp doanh nghiệp đang vật lộn với chi phí gia tăng và đồng baht mạnh. Các nhà xuất khẩu đã cùng chính phủ do Pheu Thai lãnh đạo tiếp tục kêu gọi BoT hạ lãi suất chính sách, vốn đã ở mức 2,5% kể từ tháng 9-2023.
Thống đốc BoT Sethaput Suthiwartnarueput đã phải chịu áp lực công khai từ cựu Thủ tướng Srettha Thavisin và Thủ tướng đương nhiệm Paetongtarn Shinawatra, về việc cắt giảm lãi suất trước khi lạm phát trở lại phạm vi mục tiêu của BoT là 1-3%. Tháng trước, lạm phát là 0,61%.
BoT đã nâng dự báo tăng trưởng của Thái Lan trong năm nay từ 2,6% lên 2,7%, nhưng cắt dự báo tăng trưởng còn 2,9% từ mức 3% đã công bố trước đó. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Thái tăng trưởng 2,4% trong năm nay và 3% trong năm tới.
Cuộc họp chính sách cuối cùng của BoT trong năm 2024 sẽ diễn ra ngày 18-12 sắp tới.
Philippines có thể giảm lãi suất lần thứ ba
Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cũng có động thái tương tự, giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 6% hôm 16-10. Đây là đợt cắt giảm thứ hai trong bốn năm qua kể từ đợt giảm 25 điểm phần trăm đầu tiên vào tháng 8 vừa rồi. Bước đi của BSP đã được phần lớn trong 23 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo trước. Họ cũng nói rằng BSP sẽ cắt giảm lãi suất lần nữa trong tháng 12 tới nhằm hỗ trợ tăng trưởng, bởi lạm phát dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát.
"Một mặt, xung đột Trung Đông ngày càng bất ổn và các nhà hoạch định chính sách có thể thận trọng và nới lỏng chậm hơn. Mặt khác, lạm phát đã giảm xuống dưới mục tiêu của BSP trong khi mức cắt giảm 50 điểm cơ bản của Fed vào tháng 9 đã tạo điều kiện để nới lỏng mạnh mẽ hơn nữa", Low từ BMI phân tích.
Nền kinh tế Philippines vẫn đang tiến triển, bất chấp những trở ngại như chi tiêu của người tiêu dùng đang kìm hãm tăng trưởng. Trong quí 2-2024, GDP tăng 6,3%, mức tăng cao nhất kể từ mốc 6,4% được ghi nhận trong quí 1-2023. Quí 3-2023, tăng trưởng được kích thích từ chi tiêu của chính phủ, nhưng mức chi tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình lại giảm sút.
Bất kỳ động thái nào của lãi suất đều rất quan trọng đối với người dân Philippines hàng ngày. Tiêu dùng chiếm hơn 70% nền kinh tế trong nước, nhưng chi tiêu tư nhân chỉ tăng 4,6% trong quí 2.
Aninda Mitra, giám đốc chiến lược đầu tư và vĩ mô châu Á tại BNY Mellon Investment Management dự kiến, "sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm như vậy trong thời gian tới từ Manila do giá gạo giảm và xu hướng nới lỏng" trong lạm phát cơ bản.
Indonesia đang loay hoay
Bank Indonesia – ngân hàng trung ương của Indonesia – đã giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (reverse repo rate) ở mức 6%, lãi suất tiền gửi qua đêm 5,25% và lãi suất cho vay 6,75%.
“Ngân hàng trung ương Indonesia có thể đi theo các bước nới lỏng của Fed, cũng có khả năng sẽ tìm kiếm sự rõ ràng hơn trong chính sách tài chính từ tân chính phủ của Tổng thống Prabowo Subianto sẽ nhậm chức vào ngày 19-10 tới”, Low từ BMI lý giải cho hành động giữ nguyên lãi suất của Bank Indonesia.
Các nhà kinh tế cho rằng Indonesia đang loay hoay. Mặc dù tăng trưởng GDP của Indonesis đạt 5% trong quí vừa rồi, nhưng chi tiêu hộ gia đình đã chậm lại.
Indonesia báo cáo tỷ lệ lạm phát hàng năm là 1,84% vào tháng 9, chậm lại so với mức 2,12% vào tháng 8 và là mức giảm thứ sáu liên tiếp. Yusuf Rendy Manilet, nhà kinh tế tại Trung tâm Cải cách Kinh tế ở Jakarta đã trích dẫn điều này như “một dấu hiệu của sự trì trệ kinh tế” giống thời điểm đại dịch Covid-19.
"Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư đang ở chế độ “wait and see”. Họ mong đợi chính quyền mới với khả năng giảm lãi suất lần nữa”, Manilet nói và lưu ý rằng Bank Indonesia đã bất ngờ cắt giảm lãi suất 0,25% xuống còn 6% vào tháng trước.
Ông nói thêm rằng vẫn có khả năng ngân hàng trung ương có thể cắt giảm thêm một lần nữa trong năm nay. Mục đích của chính sách này là cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn tài chính giá cả phải chăng để có thể tăng trưởng hơn trong quí 4.
Kinh tế Malaysia và Singapore hồi phục ổn định
Makoto Saito, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết Malaysia có thặng dư tài khoản vãng lai, có "mức độ linh hoạt tương đối cao" trong chính sách tiền tệ. "Nhu cầu thực hiện cắt giảm lãi suất lớn là không lớn vì nền kinh tế dự kiến sẽ mạnh mẽ với sự phục hồi trong xuất khẩu", ông nói thêm.
Hồi tháng 9, ngân hàng trung ương Malaysia đã giữ nguyên lãi suất chính sách qua đêm ở mức 3% trong cuộc họp thứ tám liên tiếp.
“Đây là mức mà chúng tôi dự kiến sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025 trước khi cuối cùng bị cắt giảm vào năm 2026. Sự thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực thúc đẩy đồng ringgit của Malaysia”, BMI cho biết trong một báo cáo cuối tháng 9.
Trong khi đó, trong vài tuần qua, đồng đô la Singapore đang mạnh nhất so với đồng đô xanh trong vòng 10 năm qua trong bối cảnh lãi suất của Mỹ thấp hơn cùng với sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào sự hồi phục kinh tế của Singapore.
Ricky Hồ (Theo Reuters, Nikkei Asia, Bangkok Post)
TBKTSG
|