Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức”.
Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng-triển vọng và thách thức” - Ảnh: VGP/HT
|
Theo báo cáo của VEPR, kết thúc quý 3 năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025.
Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6.82%, tăng hơn 1.5 lần so với mức 4.4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính... Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.
Thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do NHNN quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư.
Mặc dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cảnh báo vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước.
Cụ thể, các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng...
Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý 4 sẽ đi ngang với mức 7.4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng Quý 4 sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6.84%.
Các chuyên gia tại Tọa đàm cho rằng, mặc dù tỷ trọng thu nội địa tăng cao, nhưng tỷ trọng lớn vẫn là thu từ thuế tiêu dùng, các nguồn thu từ đất và tài nguyên. Các nguồn thu từ thuế trực thu mặc dù có dấu hiệu tích cực đóng góp vào NSNN giai đoạn sau COVID-19 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng cũng như tỷ trọng chưa cân xứng giữa các khu vực kinh tế.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược cải cách thuế đến 2030 là phải bảo đảm cân đối nguồn thu NSNN một cách bền vững, trong đó có sửa đổi căn bản các luật thuế cả thuế trực thu và thuế tiêu dùng.
Nhật Quang
FILI
|